Hà Nội

Mọi người đều có quyền và nghĩa vụ tham gia cuộc chiến chống lại bệnh lao

24-03-2014 07:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Nhân Ngày Thế giới phòng chống lao 24/3/2014, với thông điệp “Toàn dân quyết tâm thực hiện thành công Chiến lược Quốc gia phòng chống lao”, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trò chuyện với PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung

Nhân Ngày Thế giới phòng chống lao 24/3/2014, với thông điệp “Toàn dân quyết tâm thực hiện thành công Chiến lược Quốc gia phòng chống lao”, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trò chuyện với PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia (CTCLQG) về những vấn đề đã, đang và sẽ làm cũng như những kế hoạch “dài hơi” cho công tác phòng chống lao cho những năm tới.

PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung .

Phóng viên (PV): Công tác phòng, chống bệnh lao là một nhiệm vụ quan trọng lâu dài của cả hệ thống chính trị trong đó ngành y tế là nòng cốt. Với nhiệm vụ quan trọng này, CTCLQG đã đưa ra những chiến lược đổi mới như thế nào, thưa ông?

PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung: Như chúng ta đã biết, mặc dù bệnh lao có thể phát hiện sớm và chữa khỏi hoàn toàn, nhưng đến nay vẫn còn nhiều người mắc và tử vong vì bệnh lao. Nguy cơ mắc bệnh lao có thể xảy ra với tất cả mọi người, ngay ở những thành phố lớn, đông dân cư và không miễn trừ ai. Bệnh lao là bệnh lây truyền, do vậy mắc lao không chỉ nguy hiểm đến tính mạng người mắc mà còn là nguồn lây lan cho cộng đồng. Để kiểm soát bệnh lao ta cần phát hiện được nhiều nhất số người mắc và điều trị khỏi cho họ để cắt giảm nhanh chóng nguồn lây. Muốn làm được như vậy chúng ta cần có 4 đổi mới đó là đổi mới tư duy, đổi mới công nghệ, đổi mới phương pháp tiếp cận và đổi mới đầu tư. Đổi mới tư duy được thể hiện rõ ở 3 quan điểm xuyên suốt của Chiến lược Quốc gia phòng chống lao (CLQGPCL) đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành đó là phòng chống lao không chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế mà của cả hệ thống chính trị với nguồn lực được Nhà nước đảm bảo bằng cơ chế đa nguồn bao gồm ngân sách, bảo hiểm y tế, viện trợ quốc tế và các nguồn hợp pháp khác. Phát hiện và điều trị bệnh lao ngay tại cộng đồng chứ không phải chủ yếu trong bệnh viện và cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng. Đổi mới công nghệ tức là nói đến các kỹ thuật chẩn đoán mới, thuốc và phác đồ mới, hy vọng chúng ta sẽ có vắc-xin phòng bệnh lao mới. Tất cả nhưng công nghệ mới cần phải có phương pháp tiếp cận mới hiệu quả đem đến cho người cần nhất đó là người mắc bệnh lao. Tất cả những đổi mới đó chỉ có thể phát huy tác dụng khi chúng ta có cơ chế đầu tư mới, thỏa đáng và hiệu quả.

Người mắc lao cần được phát hiện, điều trị sớm. Ảnh: Trần Minh

PV: Bộ Y tế đã trình Chính phủ “Chiến lược Quốc gia phòng chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”, trong đó đặt ra những mục tiêu và các giải pháp phòng chống lao mang tính tổng thể, dài hạn và đột phá. Đề nghị PGS.TS cho biết cụ thể hơn.

PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung: Một tin rất vui trước Ngày Thế giới phòng chống lao năm nay đó là Thủ tướng Chính phủ vừa mới phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Ngoài 3 quan điểm xuyên suốt như đã nêu ở trên, chiến lược còn đặt ra những mục tiêu rất tham vọng nhưng có cơ sở khoa học và thực tiễn, đó là giảm 30% số người mắc lao trong 5 năm từ năm 2015 - 2020, tức là trung bình giảm 6% một năm, trong khi hiện nay mới đạt 4,6% năm. Giảm 40% số người chết do lao trong 5 năm, tức là 8% năm, trong khi hiện nay mới đạt 4,4% một năm và khống chế tỷ lệ mắc lao đa kháng trong số người mắc lao mới phát hiện là dưới 5%. Tầm nhìn đến năm 2030 tiếp tục giảm số người chết do bệnh lao và giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20 người trên 100.000 người dân. Hướng tới mục tiêu để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao. Mặc dù đặt mục tiêu rất cao như vậy nhưng chúng ta có thể đạt được vì cho đến nay chúng ta có những công nghệ mới mang tính đột phá với phương pháp tiếp cận mới và cơ chế đầu tư mới mục tiêu có thể đạt được.

PV: Để khống chế bệnh lao cũng như giúp bệnh nhân được tiếp cận các thuốc điều trị cũng như các kỹ thuật mới, tiên tiến, CTCLQG có những giải pháp nào, thưa ông?

PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung: Nhận thấy người dân ngày một hiểu biết thêm về bệnh lao cũng như sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương về công tác chống lao, nên chúng tôi nhận thấy tập trung vào đổi mới công nghệ, tiếp cận và đầu tư là việc làm cần thiết. Nhiều kỹ thuật mới, đột phá được áp dụng hiệu quả như kỹ thuật geneXpert chỉ trong 2 giờ có thể trả lời có vi khuẩn lao hay không, nhiều hay ít và có kháng với thuốc rifampicine hay không với độ nhậy rất cao, độ đặc hiệu rất cao tương đương kỹ thuật nuôi cấy (phải mất 2-4 tháng theo phương pháp truyền thống), mặt khác, thao tác thực hiện đơn giản đến mức có thể thực hiện ngay tại tuyến huyện. Hiện nay, chúng ta đã có 32 hệ thống geneXpert đang hoạt động trên cả nước. Ngoài ra, còn nhiều kỹ thuật đang được nghiên cứu ứng dụng và hứa hẹn cuộc cách mạng trong phát hiện bệnh lao. Về việc cung ứng thuốc và phác đồ điều trị mới hiện nay trên cả nước đang triển khai phác đồ mới rút ngắn thời gian điều trị còn 6 tháng. Việt Nam sẽ là nước áp dụng đầu tiên thuốc chống lao mới cho các trường hợp lao tiền siêu kháng thuốc trong năm 2014. Phác đồ chữa lao hiệu quả đang được phát triển, có thể rút ngắn xuống còn 4 tháng, thậm chí là 3 tháng. Hiện nay đang có hai loại thuốc chống lao mới được phê duyệt. Hứa hẹn đủ thuốc mới sẽ có phác đồ hoàn toàn mới, sẽ không còn khái niệm kháng các thuốc hiện tại nữa mà có thể áp dụng phác đồ mới không cần xét nghiệm kháng sinh đồ ngay lúc phát hiện. Điều trị sẽ hiệu quả hơn. Dự kiến vào năm 2018 có thể sẽ có những vắc-xin mới phòng lao hiệu quả hơn BCG hiện nay. Chúng ta cần áp dụng một cách tối ưu các công nghệ mới vào điều kiện Việt Nam một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, công nghệ mới sẽ không có tác dụng nếu không được mang tới áp dụng cho người cần đó là người bệnh. Vì vậy cần có phương pháp tiếp cận mới bao gồm: tuyên truyền, giáo dục sức khỏe; phối hợp y tế công tư phòng chống lao; lồng ghép kiểm soát bệnh lao và quản lý các bệnh phổi mạn tính và HIV/AIDS.

PV: CTCLQG đã đưa ra chủ đề cho Ngày thế giới phòng chống lao năm nay là “Mọi người đều có quyền và nghĩa vụ tham gia cuộc chiến chống lại bệnh lao”, ông có thể nói rõ hơn về quyền và nghĩa vụ?

PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung: Bệnh lao là một bệnh xã hội. Sự nghiệp phòng chống bệnh lao là sự nghiệp quan trọng, lớn lao không chỉ của riêng ai mà là sự nghiệp của toàn dân và là nhiệm vụ quan trọng lâu dài của cả hệ thống chính trị, trong đó ngành y tế giữ vai trò nòng cốt. Điều này đã được quán triệt trong quan điểm chỉ đạo xây dựng CLQGPCL đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Chính vì vậy, CTCLQG đã đưa ra chủ đề cho Ngày Thế giới chống lao năm nay là “Mọi người đều có quyền và nghĩa vụ tham gia cuộc chiến chống lại bệnh lao”. Một trong những khó khăn của công tác phòng chống lao là sự kỳ thị, định kiến bệnh lao của người dân còn lớn, khiến cho bệnh nhân lao giấu bệnh, tự chạy chữa, bệnh càng nặng, khả năng lây sang người khác càng lớn. Vì vậy, quyền của người mắc lao là được phát hiện, điều trị và nghĩa vụ của người bệnh là phải đi khám sớm và tuân thủ chế độ điều trị để được chữa khỏi. Trách nhiệm của cộng đồng bây giờ là gì? Chúng ta hãy đặt mình vào vị trí của người mắc bệnh lao để thấy được họ cần điều gì ở chúng ta. Công việc đấu tranh phòng chống bệnh lao không của riêng một ai, một cơ quan tổ chức nào mà đó là trách nhiệm của cả cộng đồng, của chính chúng ta bởi vì cuộc sống là của tất cả mọi người. Bệnh lao là bệnh của toàn xã hội, không phải của riêng ai. Chính vì vậy “Giúp một người chữa khỏi bệnh lao là giảm nguy cơ mắc lao cho chính mình” hay “Phát hiện được một người mắc lao là cứu sống 1 người và phòng cho 10 người”. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, ở nước ta trung bình cứ 1 giờ có 2 người chết vì bệnh lao, trong khi bệnh lao là bệnh có thể điều trị khỏi nếu người bệnh được điều trị kịp thời theo quy trình điều trị của bác sĩ. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn còn e ngại và thiếu hiểu biết về bệnh lao. Do đó, công tác tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho người dân rất cần thiết. Chúng ta có thể chuyển tải thông điệp tới người dân như “Chỉ vì thiếu hiểu biết, tôi và bạn đã bị mắc lao” hay “Bệnh lao có thể chữa khỏi, hãy đừng để ai chết vì bệnh lao”. Trong CLQGPCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam đặt ra mục tiêu không còn bệnh lao, hướng tới loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng. Phấn đấu đến năm 2030 chỉ còn dưới 20 trên 100.000 người dân mắc lao. Trong đó, yêu cầu mới và kiểm soát bệnh lao là thay đổi từ ngăn chặn tiến tới thanh toán bệnh lao bằng cách phát hiện sớm và nhiều nhất số bệnh nhân lao trong cộng đồng, duy trì tỷ lệ cao điều trị khỏi cho tất cả các bệnh nhân lao được phát hiện.

Một điểm khó khăn trong công tác phòng chống lao nữa là công tác này chưa được xã hội hóa cao, sự tham gia của các ban ngành đoàn thể còn hạn chế. Chính vì vậy, công tác phòng, chống bệnh lao phải được sự quan tâm của lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương và phải được coi là một nhiệm vụ thường xuyên và có tính chất liên ngành. CLQGPCL là một dấu mốc quan trọng cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ đối với công tác phòng chống lao. Hơn nữa, với những khó khăn về nguồn nhân lực trong mạng lưới chống lao, hệ thống y tế và đặc biệt là khả năng duy trì nguồn tài chính bền vững cho công tác chống lao trong thời điểm hiện tại và những năm tiếp theo khi Việt Nam đã là nước thu nhập trung bình, nguồn kinh phí viện trợ quốc tế ngày càng giảm đi, cho thấy sự vào cuộc của chính quyền các cấp là không thể thiếu, đúng như thông điệp “Chính quyền các cấp cần đầu tư nguồn lực để phòng chống bệnh lao thành công tại địa phương” hay “Các đoàn thể chung tay vận động mọi nguồn lực để phòng chống bệnh lao thành công”. Trong CLQGPCL có đề cập đến sự tham gia thực hiện của các cấp chính quyền, Bộ, ban, ngành như Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, ủy ban nhân dân các tỉnh , thành phố trực thuộc Trung ương. Và tổng hợp sức mạnh của các cấp chính quyền và toàn thể cộng đồng cho công tác phòng chống lao, chúng ta có thông điệp “Tăng cường lãnh đạo, cam kết cộng đồng, quyết tâm thanh toán bệnh lao”.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Bùi Hà (thực hiện)

Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với tính mạng cũng như sức khỏe người mắc bệnh cùng với nguy cơ lây lan ra cộng đồng lớn. Lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trong các bệnh nhiễm trùng. Đầu tư cho phòng, chống lao là đầu tư có hiệu quả kinh tế rất lớn.

Việt Nam đứng hàng thứ 12 trong số 22 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới. Hằng năm, Việt Nam có khoảng 130.000 người mắc lao mới, 170.000 người mắc lao lưu hành, khoảng 3.500 người mắc lao đa kháng thuốc và đặc biệt có đến 18.000 người tử vong do bệnh lao...

 


Ý kiến của bạn