Hà Nội

Mới: Người dân có thể xin cấp lại, cấp đổi thẻ BHYT ở mọi địa phương

31-08-2021 10:17 | Y tế
google news

SKĐS - BHXH Việt Nam thông tin: Nếu bị mất, hỏng thẻ BHYT giấy mà không sử dụng điện thoại thông minh, người dân có thể đến cơ quan BHXH nơi gần nhất để làm thủ tục đổi lại thẻ (không thay đổi thông tin), không phân biệt địa bàn.

BHXH Việt Nam vừa có công văn số 2701/BHXH-TST hướng dẫn Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc cấp lại, đổi thẻ BHYT không thay đổi thông tin. 

Theo đó, để tổ chức thực hiện hiệu quả, đồng thời tạo thuận lợi cho người dân tham gia BHYT khi đi công tác, học tập, du lịch… ở địa phương khác bị mất thẻ BHYT hoặc thẻ BHYT bị rách, nát, hỏng… có nhu cầu cấp lại, đổi thẻ BHYT (không thay đổi thông tin) để khám chữa bệnh, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH cấp tỉnh, cấp huyện hướng dẫn người dân sử dụng thiết bị di động thông minh cài đặt ứng dụng "VssID - BHXH số" và sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng này để khám, chữa bệnh BHYT, không thực hiện cấp đổi thẻ BHYT giấy.

Mới: Người dân có thể xin cấp lại, cấp đổi thẻ BHYT ở mọi địa phương - Ảnh 1.

Người dân có thể xin cấp lại, cấp đổi thẻ BHYT ở mọi địa phương

Trường hợp người dân tham gia BHYT không sử dụng thiết bị di động thông minh, BHXH cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện việc cấp lại, đổi thẻ BHYT giấy theo mẫu thẻ BHYT ban hành tại Quyết định số 1666/QĐ-BHXH ngày 3/12/2020 của BHXH Việt Nam (mẫu thẻ BHYT mới). Thời hạn giải quyết trong ngày khi nhận đủ hồ sơ theo quy định.

Trước đó, tại Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017, BHXH Việt Nam quy định, BHXH huyện, tỉnh nào có thẩm quyền cấp lại, đổi thẻ BHYT đối với thẻ không thay đổi thông tin ở huyện, tỉnh đó. 

Nay, theo Quyết định số 811/QĐ-BHXH ngày 16/8/2021, BHXH đã sửa đổi, bổ sung Quy trình thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ:  Bảo hiểm xã hội huyện, tỉnh có thẩm quyền cấp lại, đổi thẻ BHYT (mà không thay đổi thông tin) theo mẫu thẻ BHYT mới cho người tham gia BHYT ở các huyện, tỉnh khác.

Như vậy, hiện nay, người tham gia BHYT có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay cho thẻ BHYT giấy để đi khám, chữa bệnh ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào mà không phải lo trì hoãn việc khám, chữa bệnh khi không may thẻ BHYT  bị hỏng hoặc mất như thẻ giấy trước đây. 

Cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng đầu đọc để quét mã QR-Code hoặc ghi trực tiếp số thẻ BHYT trên ứng dụng VssID (đối với trường hợp cơ sở không có đầu đọc) và có các giải pháp chống lạm dụng trục lợi quỹ khám, chữa bệnh BHYT.

Trong trường hợp bị mất, hỏng thẻ BHYT giấy mà không sử dụng điện thoại thông minh, người tham gia bảo hiểm y tế có thể đến cơ quan BHXH nơi gần nhất để làm thủ tục đổi lại thẻ (không thay đổi thông tin), không phân biệt địa bàn.

Có thể nói, với các thủ tục hành chính được cải cách này, BHXH Việt Nam đã tiếp tục bám sát mục tiêu cải cách hành chính của ngành là lấy người dân làm trung tâm phục vụ, giúp người tham gia BHYT được thuận lợi hơn trong việc khám chữa bệnh BHYT, hạn chế đi lại và giao dịch trực tiếp với cơ quan BHXH. Đây là giải pháp thực sự có ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương như hiện nay.

Cẩm nang Hướng dẫn phòng tránh COVID-19: An toàn khi tham gia mua sắm


Thái Bình
Ý kiến của bạn