Tỷ lệ tảo hôn trong dân tộc thiểu số ở nước ta là 26,6%
Theo Astrid Bant, mỗi ngày trên thế giới có gần 48.000 trẻ em gái bị ép tảo hôn, trong đó có những em mới 10 tuổi. Đáng nói là hàng triệu trẻ em gái sẽ bị người lớn ép kết hôn bất chấp việc các em có đồng ý hay không và mỗi ngày cũng có khoảng 20.000 nữ giới dưới 18 tuổi sinh con.
Tại Việt Nam, Ủy ban Dân tộc công bố kết quả điều tra gần đây cho thấy, gần 1/3 số người dân tộc thiểu số ở nước ta tảo hôn. Tỷ lệ tảo hôn ở Việt Nam mặc dù đã giảm nhưng vẫn diễn ra phổ biến ở vùng nông thôn, miền núi, đặc biệt là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả điều tra năm 2015 cho thấy, tỷ lệ tảo hôn trong dân tộc thiểu số là 26,6%, cao nhất là các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn như dân tộc Mông, Xinh Min, La Ha, Gia Rai, Raglay, Bru- Vân Kiều. Có tới gần 40 trong số 53 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 20% trở lên, cá biệt có 6 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 50 đến 60%.
Theo bà Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc, các dân tộc có tỷ lệ tảo hôn cao đồng thời cũng là các dân tộc có tỷ lệ hộ nghèo cao. Kết quả điều tra của Vụ Dân tộc thiểu số tại xã nghèo như Lóng Luông, Mộc Châu, Sơn La cho thấy, trong 6 tháng đầu năm có tới 100 trường hợp tảo hôn, tính riêng trong năm 2015 tỷ lệ tảo hôn chiếm tới 68%, trong đó con bí thư, chủ tịch xã cũng tảo hôn.
Cũng theo bà Tư, cần truyền thông tới đồng bào dân tộc bằng chính ngôn ngữ của họ vì nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, có dân tộc thiểu số không có ai đi học. Rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số không những “mù chữ” mà còn “mù” cả tiếng. Riêng ở Hà Giang có 28000 phụ nữ ( trong đó có trẻ em gái) bị “mù” chữ và trong đó có 18000 phụ nữ “mù” cả tiếng. Nếu truyền thông bằng tiếng phổ thông thì sẽ không hiệu quả. Đã đến lúc cần xem xét lại truyền thông. Phải truyền thông bằng tiếng dân tộc để đồng bào hiểu được tảo hôn là vi phạm pháp luật. Truyền thông cần đi tới trái tim của đồng bào.
Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và chất lượng dân số
Theo GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra nhiều hệ lụy đối với bản thân, gia đình, gánh nặng cho xã hội. Tảo hôn làm suy giảm số lượng và chất lượng dân số.
Ths. Đỗ Thị Quỳnh Hương – Phó vụ trưởng Vụ Cơ cấu và Chất lượng dân số, Tổng Cục DS-KHGĐ, Bộ Y tế cũng cho biết, tảo hôn dẫn đến mang thai sớm khi cơ thể của các trẻ em gái chưa hoàn thiện về mặt giải phẫu, sinh lý và tâm lý để có thể mang thai. Tảo hôn làm tăng tỷ lệ tử vong của mẹ và con. Theo đó, tỷ lệ tử vong ở những trẻ sơ sinh con của các bà mẹ dưới 20 tuổi cao hơn 75%. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em gái tuổi từ 15-19 trên toàn thế giới liên quan đến thai kỳ. Ngoài ra, tảo hôn còn gây ra tình trạng lạm dụng và bạo lực.
Trên thực tế, những cặp vợ chồng lấy nhau quá sớm khi tuổi đời còn nhỏ nên sự hiểu biết, suy nghĩ chưa chín chắn dễ làm phát sinh những mâu thuẫn, phát sinh bạo lực gia đình. Trẻ em gái sau kết hôn dễ bị lạm dụng và chịu lạo lực nhiều hơn so với các cô gái ngang tuổi nhưng kết hôn muộn hơn. Ngoài ra, bạo lực có thể gây ra stress và trầm cảm sau những sang chấn về tâm thần. Những trẻ em gái kết hôn sớm thường bị bạn bè đồng lứa cô lập và bỏ rơi. Tảo hôn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của trẻ em gái mà trẻ em trai cũng bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ nhẹ hơn trẻ em gái.
Cần ưu tiên thực hiện mục tiêu bình đẳng giới
Bà Astrid Bant, Trưởng Đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc cũng cho rằng, để giải quyết vấn đề tảo hôn trong dân tộc thiểu số cần ưu tiên thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và chống phân biệt đối xử nam nữ.
Thực tế đã cho thấy ở những nơi thường xảy ra tảo hôn thường làm trầm trọng thêm hiện tượng phân biệt giới tính, dẫn tới việc sinh con sớm, sinh nhiều con và ưu tiên cơ hội giáo dục cho trẻ em trai hơn là trẻ em gái.
“Vấn đề tảo hôn sẽ không được giải quyết nếu chúng ta không trao quyền cho thanh niên, đặc biệt là các trẻ em gái. Cần phải cải thiện sự tiếp cận với thông tin, trao cho các em cơ hội để được đi học, được cung cấp kiến thức về kỹ năng sống, sức khỏe tình dục và sinh sản; cho các em có không gian sống an toàn, cải thiện sinh kế và an sinh xã hội. Cần đảm bảo các em gái ngay cả khi đã kết hôn thì vẫn có nhiều lựa chọn và cơ hội tốt cho tương lai. Bên cạnh đó, cần thay đổi tư duy, thái độ của cha mẹ và cộng đồng, tìm ra những giải pháp dựa vào cộng đồng để ngăn chặn nạn tảo hôn. Liên Hợp quốc sẽ cộng tác cùng chính phủ Việt Nam trong việc đảm bảo việc thực hiện quyền của trẻ em gái vị thành niên, giúp trẻ em gái phát triển được hết tiềm năng của mình…”, Bà Astrid Bant chia sẻ.