Mỗi năm Việt Nam ghi nhận gần 22.000 ca mắc mới ung thư vú

12-08-2022 20:51 | Ung thư

SKĐS - Tại Việt Nam mỗi năm ung thư vú chiếm 25,8% bệnh ung thư ở nữ giới với gần 22.000 ca mắc mới và 9.345 ca tử vong. Nếu như tỷ lệ sống sau 5 năm ở giai đoạn rất sớm đạt 98%, ở giai đoạn cuối tỷ lệ này chỉ còn khoảng 10%.

Ung thư vú chiếm 25,8% bệnh ung thư ở nữ giới

Ung thư vú là bệnh ung thư có tỉ lệ mắc đứng hàng thứ nhất trong các bệnh ung thư ở nữ giới trên Thế giới và tại Việt Nam. Trên thế giới mỗi năm có khoảng 2 triệu người mắc mới và khoảng 600.000 người tử vong.

Tại Hội nghị cập nhật tiến bộ trong điều trị ung thư vú diễn ra ngày 12/8 tại Hà Nội, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay theo thống kê mới nhất, tại Việt Nam mỗi năm ghi nhận khoảng 183.000 trường hợp mắc mới ung thư, trong đó ung thư vú chiếm 25,8% bệnh ung thư ở nữ giới, với gần 22.000 trường hợp mắc mới và hơn 9.000 ca tử vong.

Mỗi năm Việt Nam ghi nhận gần 22.000 ca mắc mới ung thư vú - Ảnh 1.

PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Tại Việt Nam mỗi năm ghi nhận khoảng 183.000 trường hợp mắc mới ung thư, trong đó ung thư vú chiếm 25,8% bệnh ung thư ở nữ giới

Tại hội nghị, ThS.BS Bùi Bích Mai - Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ về vai trò tư vấn di truyền bệnh nhân ung thư vú có đột biến gen BRCA1, BRCA2 (gen ung thư vú).

ThS.BS Mai thông tin có 5 - 15 % nguyên nhân ung thư là do di truyền và dẫn chứng ca bệnh – chị H. (47 tuổi) được chẩn đoán ung thư vú và ung thư buồng trứng.

Về tiền sử gia đình, chị H. có mẹ đẻ và dì ruột được chẩn đoán ung thư buồng trứng đã phẫu thuật và hóa trị, hiện tại bệnh ổn định. 8 năm trước khi ở tuổi 39 tuổi, chị H. được chẩn đoán ung thư vú phải nguyên phát. Bệnh nhân đã điều trị phẫu thuật cắt vú phải, truyền hóa chất và xạ trị hiện tại bệnh ổn định.

Cách đây 4 năm (khi ở tuổi 43 tuổi), chị H. khám định kỳ, tiếp tục phát hiện khối u buồng trứng phải. Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ tử cung, 2 phần phụ và mạc nối lớn.

Bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm di truyền phân tích gen BRCA1 và BRCA2 theo phương pháp giải trình tự bằng kỹ thuật giải trình tự gen thế hệ mới. Kết quả, các bác sĩ phát hiện đột biến mất đoạn trên exon số 2 dạng dị hợp tử trên gen BRCA1 của bệnh nhân. Đột biến này gây biến đổi trình tự mã hóa protein, tạo ra các protein bất thường do đó có khả năng dẫn đến các biểu hiện lâm sàng quan sát được trên bệnh nhân.

Các bác sĩ đã tiến hành lập kế hoạch theo dõi các ung thư có thể tiến triển khác (ung thư vú bên còn lại, ung thư tụy...) cho nữ bệnh nhân. Người thân của chị H. cũng có chỉ định xét nghiệm đột biến gen BRCA1 và được tư vấn, lập kế hoạch theo dõi tầm soát, phát hiện sớm ung thư.

Ung thư vú: Tỷ lệ sống sau 5 năm ở giai đoạn rất sớm đạt 98% thì ở giai đoạn cuối tỷ lệ này chỉ còn khoảng 10%

Theo các chuyên gia, ung thư vú là bệnh lý ác tính hàng đầu về tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong ở nữ giới. Sàng lọc ung thư vú trên các nhóm đối tượng nguy cơ cao giúp phát hiện sớm bệnh. Nếu như tỷ lệ sống sau 5 năm ở giai đoạn rất sớm đạt 98% thì ở giai đoạn cuối tỷ lệ này chỉ còn khoảng 10%. Hiện nay, nhờ những tiến bộ trong sàng lọc, chẩn đoán, cũng như điều trị, bệnh ung thư vú có thể được phát hiện ở giai đoạn sớm, gia tăng tỷ lệ điều trị khỏi cũng như kéo dài thời gian sống, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh ở giai đoạn muộn.

Với mục tiêu phát hiện sớm, điều trị khỏi bệnh ung thư vú, nhiều kỹ thuật chẩn đoán tiên tiến, các phương pháp điều trị mới, hiện đại đã và đang được áp dụng trong chẩn đoán, điều trị bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai.

Mỗi năm Việt Nam ghi nhận gần 22.000 ca mắc mới ung thư vú - Ảnh 2.

PGS.TS Phạm Cẩm Phương-Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu cho hay hiện nay, ngoài các phương pháp tầm soát, chẩn đoán ung thư vú thông thường bao gồm siêu âm và chụp X-quang tuyến vú… tại Bệnh viện Bạch Mai đã và đang ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến khác trong sàng lọc, chẩn đoán bệnh ung thư vú.

Đó là những kỹ thuật tiên tiến như xét nghiệm gene BRCA1/2, siêu âm đàn hồi mô tuyến vú, chụp X-quang tuyến vú 3D, chụp cộng hưởng từ tuyến vú, sinh thiết u vú có hỗ trợ hút chân không cũng như các can thiệp hỗ trợ trong điều trị như: đặt định vị kim dây, đặt marker định vị u vú dưới hướng dẫn của siêu âm, X-quang.

Trong công tác chuyên môn, nhóm đội ngũ chuyên sâu về bệnh lý tuyến vú đã tích cực tham gia các hội thảo trong và ngoài nước, cập nhật và ứng dụng các tiến bộ mới trong điều trị nội khoa ung thư vú: Nội tiết, hóa chất, điều trị đích, điều trị miễn dịch. Đặc biệt, những năm gần đây, Bệnh viện Bạch Mai phát triển mạnh mảng phẫu thuật bảo tồn tuyến vú, phẫu thuật tái tạo tuyến vú nhằm đạt được hiệu quả điều trị tối đa cho người bệnh đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư vú.

Mỗi năm Việt Nam ghi nhận gần 22.000 ca mắc mới ung thư vú - Ảnh 3.

Khám và sàng lọc ung thư vú cho người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai

Hội nghị cập nhật tiến bộ trong điều trị ung thư vú được tổ chức thu hút khoảng hơn 500 đại biểu là các thầy thuốc, nhà nghiên cứu về ung thư… đến từ các tỉnh, thành phố, các đơn vị y tế trong cả nước với các bài báo cáo khoa học mang tính chuyên sâu, cập nhật những tiến bộ mới nhất trên thế giới trong lĩnh vực điều trị ung thư vú. Đó là những tiến bộ mới trong phẫu thuật, hóa trị, nột tiết, điều trị đích, miễn dịch và tư vấn di truyền bệnh nhân ung thư vú, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư vú.

Ngày 12/8: Đã 4 ngày liên tiếp ca COVID-19 mới vượt mốc 2.000; 1 F0 tại Quảng Ninh tử vongNgày 12/8: Đã 4 ngày liên tiếp ca COVID-19 mới vượt mốc 2.000; 1 F0 tại Quảng Ninh tử vong

SKĐS - Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 12/8 của Bộ Y tế cho biết có 2.192 ca COVID-19 mới, trong ngày số khỏi bệnh gấp 2,5 lần số mắc mới và có 1 trường hợp tại Quảng Ninh tử vong.


Thái Bình
Ý kiến của bạn