Sáng ngày 15/11 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức Lễ phát động Cuộc thi phóng sự truyền hình về chủ đề phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2017.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo, thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết, cuộc thi năm nay nhằm đẩy mạnh việc tuyên truyền về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá qua các phóng sự truyền hình; ghi nhận, cổ vũ, động viên các phóng viên, biên tập viên, ê kíp sản xuất chương trình truyền hình, các tổ chức hoạt động báo hình đã tích cực tham gia vào công tác tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại buổi lễ phát động cuộc thi phóng sự truyền hình về chủ đề phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2017
Năm 2017, Ban tổ chức đã lựa chọn báo hình với thể loại phóng sự truyền hình để tổ chức cuộc thi. Bởi, phóng sự truyền hình là thể loại có sức lan tỏa lớn.
“Chúng tôi mong muốn cuộc thi sẽ tạo nên môi trường thúc đẩy phóng viên, biên tập viên truyền hình sẽ cho ra đời những phóng sự với tư duy phân tích sâu sắc, hình ảnh chân thực, sinh động, có thông điệp truyền thông cụ thể, rõ ràng. Từ đó tạo nên sức mạnh truyền thông góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của toàn xã hội, cũng như hiểu được tổn thất về sức khỏe, kinh tế do thuốc lá gây ra”- Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nói
Thông tin tại buổi lễ phát động cuộc thi, bà Phan Thị Hải- Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá cho hay, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng 40.000 ca tử vong liên quan đến sử dụng thuốc lá.
Điều tra Toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (GATS 2015) do Tổng cục Thống kê phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới thực hiện năm 2015 cho thấy, so với năm 2010, tỷ lệ hút thuốc lá trong nam giới Việt Nam có giảm khoảng 2%, tuy nhiên, tỷ lệ hút thuốc trong nam giới của chúng ta vẫn rất cao. Tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc là 47,4%. Trong giới trẻ độ tuổi 15-24, tỷ lệ hút thuốc trong nam giới là 26,1% và nữ giới là 0,3%.
“Việt Nam hiện có 33 triệu người không hút thuốc thường xuyên phải hít khói thuốc tại nhà và hơn 5 triệu người trưởng thành không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc. Tỷ lệ hút thuốc thụ động tại các nhà hàng là 84,9%”- bà Hải cho hay
Bà Phan Thị Hải cũng nói thêm, theo Tổ chức Y tế Thế giới, tử vong do các bệnh không lây nhiễm hiện đang chiếm tới 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích tại Việt Nam, trong đó, sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh không lây nhiễm.
Mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng 40.000 ca tử vong liên quan đến sử dụng thuốc lá
“Sử dụng thuốc lá gây ra chi phí khổng lồ cho chăm sóc y tế cho những người bị bệnh do hút thuốc lá, cộng thêm tổn thất do giảm hoặc mất khả năng lao động, do hỏa hoạn và những tổn hại cho môi trường.
Trên toàn thế giới, ước tính mỗi năm sử dụng thuốc lá gây thiệt hại khoảng 500 tỷ đô-la Mỹ. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm, thuốc lá là nguyên nhân gây ra cái chết của hơn 7 triệu người, 80% trong số những người này sống ở các quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình.
Tại Việt Nam, hàng năm có hơn 40.000 người chết do các bệnh có nguyên nhân từ thuốc lá gây ra”- bà Hải nêu thực trạng.
Về nội dung của các bài dự thi, phản ánh chính xác, kịp thời những vấn đề liên quan đến tác hại của thuốc lá và công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá được thực hiện trong năm 2017.
Cụ thể là: Ý nghĩa của các chính sách về giá và thuế thuốc lá trong việc giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá ở Việt Nam; phản ánh chủ đề mà Tổ chức Y tế thế giới lựa chọn cho Ngày thế giới không khói thuốc 31/5/2017: “Thuốc lá – Mối đe dọa sự phát triển bền vững của các quốc gia”. Tác hại của hút thuốc, hút thuốc thụ động và quy định cấm hút thuốc tại địa điểm cấm hút thuốc theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Vấn đề nâng cao ý thức của người không hút thuốc trong việc dám lên tiếng nhắc nhở người hút thuốc không hút tại các địa điểm có quy định cấm.
Giới thiệu những phong trào, chiến dịch, những tấm gương, mô hình tốt, những hoạt động hiệu quả để tạo hiệu ứng lan truyền theo chiều hướng tích cực nhằm cổ vũ cho hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương trong việc thực hiện nơi làm việc không khói thuốc theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Tác phẩm dự thi được chấm qua hai vòng sơ khảo và chung khảo để lựa chọn ra các tác phẩm xuất sắc trao giải cá nhân. Thời gian tiếp nhận tác phẩm dự thi từ ngày 16/11/2017 đến hết ngày 13/01/2018 (tính theo dấu bưu điện). Địa chỉ gửi tác phẩm dự thi: Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Pháp chế) – 18 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.