Mỗi năm thêm 22.000 người mắc ung thư phổi tại Việt Nam

12-09-2016 14:27 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tại Việt Nam, ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở nam giới và là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong do ung thư ở nữ giới. Mỗi năm chúng ta có khoảng 22,000 ca mắc mới và 19,500 bệnh nhân tử vong.

Đa số bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn muộn

Những thông tin trên vừa được các bác sĩ cho biết tại Hội thảo khoa học: “Liệu pháp nhắm trúng đích – Hành trình 10 năm kéo dài sống còn cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ” do Bệnh Viện Ung bướu TP.HCM phối hợp với các đối tác tổ chức.

Cũng theo thông tin tại hội thảo, ước tính đến năm  2020, số ca mắc mới ung thư phổi cả hai giới mỗi năm tại Việt Nam là hơn 34,000. Tình trạng bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh, vì đa số bệnh nhân đều được chẩn đoán ở giai đoạn muộn.

Phát hiện sớm là cách tốt nhất để điều trị bệnh hiệu quả.

Dựa vào đặc điểm mô bệnh học, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chia ung thư phổi thành 2 loại chính: Ung thư phổi không tế bào nhỏ (Non-Small Cell Lung Cancer) và ung thư phổi tế bào nhỏ (Small Cell Lung Cancer). Trong đó, ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm khoảng 85% các ca ung thư phổi, và bao gồm các loại chính: (i) ung thư biểu mô tuyến (Adeno carcinoma), (ii) ung thư biểu mô vảy (Squamous cell carcinoma), và (iii) ung thư tế bào lớn (Large cell carcinoma).

Liệu pháp trúng đích - phát minh có tính cách mạng trong lĩnh vực điều trị ung thư

Theo TS.BS Vũ Văn Vũ, Trưởng khoa Nội 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, ung thư phổi không tế bào nhỏ là loại ung thư thường gặp, tỷ lệ tử vong cao, phần lớn bệnh nhân đến khám ở giai đoạn tiến triển tại chỗ hoặc di căn, hoặc có di căn xa ở thời điểm chẩn đoán. Tỷ lệ sống thêm 5 năm của các bệnh nhân này  là rất thấp, khoảng 5% Bối cảnh điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ đã có nhiều tiến bộ trong khoảng một thập niên trở lại đây, bên cạnh các phương pháp kinh điển như phẫu thuật, xạ trị và hóa trị gây độc tế bào, đã xuất hiện vai trò chủ đạo của sinh học phân tử trong việc xác định đột biến gen EGFR của bệnh nhân ung thư phổi, dẫn đường cho việc chỉ định các liệu pháp nhắm trúng đích mới.

Điều trị nhắm đích đã góp phần cải thiện đáng kể kết quả điều trị và làm thay đổi bệnh sử tự nhiên của ung thư phổi không tế bào nhỏ tiến xa. Trong đó, erlotinib, một EGFR TKI chứng tỏ có hiệu quả, tính dung nạp và an toàn cao, đã được chứng minh trong điều trị bước 1 giúp kéo dài trung vị sống còn toàn bộ hơn 31 tháng, trung vị thời gian sống bệnh không tiến triển hơn 1 năm, gấp 3 lần so với hóa trị thông thường cho các bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến triển tại chỗ hoặc di căn xa.

Báo cáo tại Hội thảo, GS.BS. Roman Perez-Soler – Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu Albert Eistein, Bronx, New York, Hoa Kỳ đã chứng minh erlotinib điều trị bước 1 kéo dài thời gian sống bệnh không tiến triển hơn 1 năm, gấp 3 lần hóa trị thông thường trên bệnh nhân có đột biến gen EGFR.

Theo nhận định của các chuyên gia tại hội thảo, trên bệnh nhân có đột biến gen EGFR, erlotinib là một trong những liệu pháp trúng đích tối ưu hiện nay cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ, giai đoạn tiến triển tại chỗ hay di căn xa.  Ertonitib cũng đã được chứng minh có hiệu quả cao và giúp cải thiện chất lượng sống trên các bệnh nhân đã thất bại với các liệu pháp điều trị toàn thân trước đó.

Như vậy, bên cạnh các thuốc nhắm đích phân tử mới đang tiếp tục được nghiên cứu triển khai hứa hẹn nhiều kết quả mới, liệu pháp trúng đích erlotinib đã, đang và sẽ tiếp tục là một liệu pháp hiệu quả, là phát minh có tính cách mạng trong lĩnh vực điều trị ung thư, mang đến nhiều lợi ích cho bệnh nhân.


Nguyễn Huyền
Ý kiến của bạn