Các bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới 70% tổng gánh nặng bệnh tật toàn quốc
Việt Nam đang phải giải quyết gánh nặng bệnh tật kép. Trong khi các bệnh truyền nhiễm như COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp thì nước ta cũng phải đối mặt với sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm. Gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới 70% tổng gánh nặng bệnh tật toàn quốc và các bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.
Đồng thời, số liệu cũng cho thấy trên thế giới cũng như tại Việt Nam đa số những người tử vong do bệnh dịch COVID-19 đều có bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường hoặc các bệnh mạn tính khác.
Có thể nói các bệnh không lây nhiễm đang là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng quá tải tại các bệnh viện, gây thiệt hại, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, xã hội do bệnh phải điều trị suốt đời làm tăng chi phí y tế, giảm năng xuất lao động và sản phẩm xã hội, ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe cộng đồng.
Những thông tin trên được TS Hoàng Minh Đức – Phó Cục trưởng, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết tại hội thảo tổng kết Dự án "Chuyển đổi đáp ứng với bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam" do Cục Y tế dự phòng phối hợp với Tổ chức PATH vừa tổ chức.
Dự án do quỹ Access Accerelated tài trợ được triển khai từ năm 2019 - 2022 tại 120 xã, phường thuộc 8 quận, huyện trên địa bàn các tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa và Tây Ninh nhằm hai mục tiêu chính: Tăng cường năng lực hệ thống y tế cơ sở về dự phòng, phát hiện sớm, quản lý điều trị và chăm sóc người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường; Tăng cường hiệu quả dịch vụ phát hiện nguy cơ, quản lý điều trị và chăm sóc người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường tại trạm y tế và tại cộng đồng.
Phó Cục trưởng Hoàng Minh Đức thông tin thêm, trước tình hình gánh nặng bệnh tật và tử vong do bệnh không lây nhiễm, việc tăng cường y tế cơ sở và thúc đẩy quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là tăng huyết áp và đái tháo đường tại cộng đồng là rất cần thiết. Mô hình quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường dựa vào cộng đồng được xây dựng dựa trên bài học kinh nghiệm từ mô hình dự phòng, phát hiện, điều trị, quản lý một số bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng tại tỉnh Hà Nam do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phối hợp với Cục Y tế dự phòng triển khai và các bài học kinh nghiệm thực hành tốt trên thế giới.
Nâng vai trò của y tế cơ sở trong sàng lọc, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm
Thông tin của Cục Y tế dự phòng cho biết, qua hơn 3 năm triển khai, dự án đã xây dựng nhiều tài liệu đào tạo và công cụ theo hướng chuẩn hóa để nâng cao năng lực cho cán bộ y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở. Hơn 1.700 lượt cán bộ chuyên trách chương trình phòng chống bệnh không lây nhiễm tuyến huyện, tuyến xã, y tế thôn bản và cộng tác viên đã được tập huấn về chuyên môn.
Hàng loạt các trang thiết bị thiết yếu như máy đo huyết áp, máy đo và que thử đường huyết để thúc đẩy các hoạt động sàng lọc phát hiện sớm, quản lý điều trị bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường hiệu quả tại cộng đồng và tuyến y tế cơ sở.
Mặc dù dự án bị gián đoạn do tác động của đại dịch COVID 19, nhưng tính đến 15/12/2022 đã có 248.000 người đã được sàng lọc nguy cơ tăng huyết áp và đái tháo đường; 22.600 ca mắc tăng huyết áp được phát hiện và 5.924 người được phát hiện mắc đái tháo đường. Trong số người được chẩn đoán, 94,3% được đưa vào điều trị ngay để kiểm soát bệnh.
Hệ thống y tế cơ sở cũng thực hiện các hoạt động chăm sóc tại nhà và cộng đồng, bao gồm tư vấn thay đổi lối sống, dinh dưỡng, luyện tập thể lực, tuân thủ điều trị, hỗ trợ theo dõi chỉ số huyết áp, đường huyết, kiểm soát thừa cân) cho 32.910 người mắc tăng huyết áp và đái tháo đường, giúp kiểm soát bệnh hiệu quả và dự phòng biến chứng, tử vong.
Sau một thời gian ngắn đưa vào thử nghiệm, ứng dụng Sống khỏe dùng trên điện thoại thông minh dành cho người dân trong cộng đồng tự quản lý sức khỏe và phát hiện nguy cơ tăng huyết áp và đái tháo đường cũng như dành cho cán bộ y tế giúp kết nối và quản lý hiệu quả người có nguy cơ tăng huyết áp và đái tháo đường, tăng cường sự gắn kết giữa người dân với các cơ sở y tế đã thu hút được hơn 10.000 người dân và hơn 700 cán bộ y tế cài đặt và sử dụng.
Bên cạnh đó, dự án đã khảo sát thực trạng hệ thống thông tin y tế trong quản lý bệnh không lây nhiễm, thực trạng của chuỗi cung ứng thuốc thiết yếu cho chương trình phòng chống tăng huyết áp và đái tháo đường tại tuyến y tế cơ sở. Qua đó, đơn vị y tế cấp tỉnh, huyện, xã đã nhận được các khuyến nghị thực tế và khả thi nhằm cải thiện chất lượng của hệ thống thông tin, hệ thống cung ứng thuốc, công tác quản lý và đáp ứng can thiệp tại tuyến y tế cơ sở đối với diễn biến của các bệnh không lây nhiễm.
Cô Y, một bệnh nhân của P Hiệp Ninh- TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh cho biết: Đến trạm y tế tôi được kiểm tra huyết áp, thử đường máu, nhờ đó phát hiện tôi mắc tăng huyết áp. Hàng tháng tôi còn được y tế thôn đến thăm hỏi, đo huyết áp và tư vấn tôi hạn chế ăn mặn, tập thể dục thường xuyên…