Tử vong do tim mạch chiếm 33% các ca tử vong, cao nhất trong các bệnh lý tại Việt Nam
GS.TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch thường trực Hội Tim mạch Việt Nam cho hay, nếu như trước đây, nhiều bệnh nhân tim mạch ở nước ta phải ra nước ngoài điều trị với chi phí cao thì hiện nay, thầy thuốc tim mạch Việt Nam đã làm chủ được hầu hết các kỹ thuật tiên tiến về bệnh lý tim mạch tương đương các nước trong khu vực và thế giới.
"Thậm chí, trong lĩnh vực can thiệp tim bẩm sinh, các thầy thuốc của chúng ta được mời tới nhiều quốc gia để chia sẻ kinh nghiệm. Tỷ lệ bệnh nhân mắc tim mạch phải ra nước ngoài gần như không còn, rất ít. Đối với bệnh tim bẩm sinh, hiện nay ở nước ta, có tới 80% bệnh nhân không phải can thiệp mổ"- GS.TS Nguyễn Lân Việt nói.
Ông dẫn chứng thông tin, mới đây nhất Viện Tim mạch Việt Nam đã trở thành cơ sở đầu tiên ở nước ta điều trị thành công ca bệnh rung nhĩ phức tạp bằng công nghệ hiện đại từ bóng áp lạnh. Kỹ thuật này nhằm ngăn ngừa cơn rối loạn nhịp tái phát và vãn hồi chức năng tim bị suy giảm, giúp bệnh nhân có cuộc sống và sinh hoạt bình thường trở lại.
Tuy nhiên theo thống kê, bệnh tim mạch đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới, mỗi năm cướp đi khoảng 19,5 triệu sinh mạng (theo báo cáo về gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2022), chiếm khoảng 1/3 tử vong do mọi nguyên nhân. Cùng với sự thay đổi lối sống và già hóa dân số, gánh nặng các bệnh lý tim mạch đang ngày càng gia tăng trong khu vực. Tại Việt Nam, số ca tử vong do tim mạch chiếm 33% các ca tử vong, cao nhất trong các bệnh lý.
Chuyên gia chỉ các yếu tố khiến bệnh tim mạch gia tăng
Các chuyên gia cũng cho rằng kiến thức chung để tự chủ động trong phòng chống bệnh tim mạch của đa số người dân còn yếu; nhiều người không hiểu rõ yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch chính là gì; không chú ý trong việc điều chỉnh lối sống như ăn uống khoa học, thường xuyên luyện tập và khám sức khỏe định kỳ…Chính vì vậy, việc phát hiện bệnh lý tim mạch thường muộn. Đây là thách thức của ngành tim mạch Việt Nam.
GS.TS Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam chia sẻ thêm, bên cạnh các yếu tố nguy cơ truyền thống gây gia tăng bệnh lý tim mạch (như huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá, rượu bia…), vấn đề đô thị hóa trong xã hội phát triển nhanh như hiện nay, các yếu tố môi trường như bụi, tiếng ồn, stress hay hậu COVID-19 cũng là những yếu tố nguy cơ mới xuất hiện ảnh hưởng sức khỏe tim mạch của người dân.
Cùng đó khi tuổi thọ con người bình quân tăng lên đồng nghĩa với số người cao tuổi cũng tăng lên. Khi đó, các bệnh lý tim mạch (nhất là các bệnh lý xơ vữa) cũng gia tăng, đó là thách thức cho ngành tim mạch Việt Nam.
GS.TS Huỳnh Văn Minh thông tin trong thời gian tới, Hội Tim mạch Việt Nam đang hướng đến phát triển các bảng kiểm đánh giá nguy cơ tim mạch. Bằng cách trả lời các câu hỏi trong chưa đầy 5 phút, người dùng có thể tự đánh giá mức độ nguy cơ tim mạch thấp - trung bình – cao trong 5-10 năm tới, từ đó hướng đến sự tư vấn của các thầy thuốc tim mạch.
Bên cạnh đó, Hội Tim mạch Việt Nam sẽ tăng cường trao đổi về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo nhằm xử lý các phương tiện chẩn đoán hình ảnh đối với bệnh lý tim mạch.
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết: Ngành tim mạch Việt Nam gia nhập cộng đồng tim mạch ASEAN từ năm 2004, từ đó đến nay luôn có những đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của khu vực. Năm 2008, Đại hội khoa học Tim mạch Đông Nam Á lần thứ 17 được tổ chức tại Hà Nội đã gây được tiếng vang lớn với các nước thành viên trong Liên đoàn Tim mạch Đông Nam Á cũng như các cộng đồng tim mạch khác trên thế giới bởi quy mô, chất lượng chương trình.
Sau 15 năm, Hội Tim mạch học Việt Nam một lần nữa có vinh dự được Liên đoàn Tim mạch Đông Nam Á giao nhiệm vụ đăng cai tổ chức Đại hội khoa học Tim mạch Đông Nam Á (AFCC 2023) lần thứ 27 (từ ngày 2 - 5/11). Đại hội lần này sẽ đón tiếp hơn 2.000 đại biểu trong và ngoài nước, trong đó có 300 chuyên gia tim mạch hàng đầu với vai trò diễn giả khách mời đến từ nhiều nền y học tiên tiến trên thế giới cũng như khu vực ASEAN.
Chương trình Đại hội khoa học tim mạch Đông Nam Á lần thứ 27 kết hợp Hội nghị Khoa học thường niên của Hội Tim mạch học Việt Nam có hơn 180 phiên khoa học bao gồm gần 800 bài báo cáo, diễn ra liên tục cùng lúc ở 10 hội trường trong 3 ngày. Ngoài những chủ đề khoa học thường quy như: Can thiệp tim mạch, Siêu âm tim, Điều trị rối loạn nhịp tim… năm nay, chương trình Đại hội sẽ có thêm những phiên khoa học đặc biệt, rất đáng chú ý với sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài như phiên đào tạo của SCAI (Hội Tim mạch Can thiệp Hoa Kỳ), các phiên cập nhật khuyến cáo từ ESC Congress (Hội Tim mạch châu Âu)...