Mỗi năm đuối nước cướp đi mạng sống của hơn 2.000 trẻ em Việt Nam

12-11-2019 15:21 | Tin nóng y tế

SKĐS - Đuối nước là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 19 tuổi. Đây cũng là nguyên nhân cướp đi mạng sống của hơn 2.000 trẻ em Việt Nam mỗi năm.

 

Tại hội nghị quốc gia về phòng chống tai nạn thương tích do Bộ Y tế tổ chức ngày 12/11 ở Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết theo thống kê của Bộ Y tế, ước tính mỗi ngày Việt Nam có tới 3.600 trường hợp gặp tai nạn thương tích, 90 người tử vong. Trong đó tai nạn giao thông và đuối nước là nguyên nhân chính, gây tử vong hàng đầu. Đuối nước là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 19 tuổi.

Đuối nước cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 trẻ em ớ nước ta mỗi năm. Do đó việc dạy trẻ về kỹ năng bơi là rất cần thiết

“Đuối nước cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 trẻ em mỗi năm. Chúng ta có thể hình dung gánh nặng tổn thương đến sức khỏe an toàn của trẻ em, đặc biệt là hạnh phúc của các gia đình”- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.

Ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm có trên 600.000 trẻ em dưới 15 tuổi tử vong do đuối nước, 2/3 trường hợp xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình.

Theo một thống kê của Bộ LĐ-TB-XH chỉ khoảng 30% học sinh tiểu học và THCS ở Việt Nam biết bơi. Trong khi đó, tỉ lệ đuối nước chiếm 50% các vụ tai nạn tử vong, thương tích ở trẻ em. Các chuyên gia cho rằng dạy bơi, học bơi là giải pháp tốt nhất để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em, nhất là môi trường sống của trẻ Việt Nam lại có nhiều ao hồ, mương, kênh, rạch, sông, suối… tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước.

Trao đổi với báo chí tại hội nghị, bà Anuradha Khanai, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Vận động chính sách Y tế toàn cầu GHAI (Mỹ) cho hay tỷ lệ trẻ em bị tử vong do đuối nước ở Việt Nam cao gấp 10 lần so với các nước phát triển.

Từ tháng 6-2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI) đã triển khai các chương trình can thiệp về phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam.

Giai đoạn một, dự án được triển khai tại 21 huyện thuộc 8 tỉnh, thành gồm Lào Cai, Yên Bái, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Sóc Trăng. Đây là các địa phương có tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao nhất. Hơn 550 giáo viên dạy bơi đã được đào tạo. Đến nay, hơn 6.100 trẻ được học bơi, kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

"Chúng tôi dạy trẻ kỹ năng bơi sống còn, không phải bơi thông thường"- bà Anuradha Khanai nói.

Dự án đã phối hợp với Tổng cục Thể thao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chính quyền địa phương đào tạo cho hơn 550 giáo viên dạy bơi. Đến nay đã có hơn 6.100 trẻ được học bơi, kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Đến cuối năm 2019, dự kiến trên 16.000 trẻ em từ 6 đến 15 tuổi được đào tạo về kỹ năng an toàn trong môi trường nước.  Dự án cũng đã và đang lắp đặt các bể bơi di dộng tại các địa phương để đảo bảo các em có thể học bơi mà không phải đi xa.

Bà Anuradha Khanai cũng cho biêt, dự án sẽ tiếp tục triển khai chương trình tại các tỉnh khác, đảm bảo giảm thiểu thương tích do đuối nước ở trẻ em 20%.

Tập huấn về kỹ năng sơ cứu đuối nước tại các địa phương - Ảnh: Chương trình phòng chống đuối nước

Bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, để phòng chống đuối nước, phải nâng cao nhận thức của cộng đồng về các nguy cơ. Đặc biệt là nâng cao kiến thức kỹ năng an toàn cho trrẻ như là thấy bạn bị đuối nước thì không vội vã lao xuống để cứu bạn mà phải hô hoán kêu gọi người lớn trợ giúp, tìm que dài để đưa ra cho bạn bám..., dạy bơi cho trẻ.

"Hiện chúng tôi xây dựng tài liệu dạy bơi an toàn cho trẻ, mỗi trẻ sau khi kết thúc khóa học phải đạt tiêu chí bơi được 25 m và nổi được 90 giây"- bà Hoa nói.

Theo bà Hoa, trước đây chỉ khoảng 30% trẻ biết bơi, những năm gần đây tỷ lệ này  cao hơn.


Thái Bình
Ý kiến của bạn