Mỗi năm có hơn 300.000 ca phá thai tại Việt Nam

26-09-2018 08:51 | Đời sống

SKĐS - Đó là thông tin được ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình, Bộ Y tế, cho biết tại Hội nghị hưởng ứng ngày Tránh thai thế giới (26/9).

Theo đó, báo cáo chính thức, hàng năm vẫn có 250 - 300.000 ca phá thai ở nước ta và tỷ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở vị thành niên/ thành niên ở nước ta còn cao.

Số liệu báo cáo chưa đầy đủ năm 2017 cho thấy cứ 1.000 phụ nữ có thai thì có 24 trường hợp ở tuổi vị thành niên và trong 1.000 ca phá thai có 15 trường hợp ở tuổi vị thành niên.

Đáng chú ý, theo kết quả điều tra biến động dân số và KHHGĐ thời điểm 1/4/2016 của Tổng cục Thống kê cho thấy cứ 100 ca phá thai của phụ nữ tuổi 15 - 49 đang có chồng thì có 62 ca là mang thai ngoài ý muốn.

Tình trạng phá thai nhiều lần còn khá phổ biến; tỷ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang có chiều hướng gia tăng, dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ còn một số hạn chế.

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình, Bộ Y tế,

Giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng về KHHGĐ chính là một trong những cách thức đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất.

Cũng theo ông Tú, tại Việt Nam số liệu của Tổng cục Thống kê mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng gần 1 triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ 15-49 vẫn sẽ tiếp tục tăng và dự báo sẽ đạt cực đại vào năm 2027-2028. Nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai tiếp tục tăng. Tuy nhiên, vẫn còn những khoảng trống hiện đang tồn tại trong công tác cung cấp dịch vụ KHHGĐ.

Ông Nguyễn Doãn Tú cũng cho hay, việc thực hiện các mục tiêu về KHHGĐ tiếp tục là một nội dung quan trọng của công tác dân số, đặc biệt là chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ, đảm bảo đáp ứng đầy đủ và đa dạng các phương tiện tránh thai, xã hội hóa dịch vụ và các phương tiện tránh thai, đảm bảo tiếp cận dịch vụ thuận tiện, dễ dàng, giá cả phù hợp đối với các nhóm cư dân khác nhau, dần xóa bỏ khác biệt trong tiếp cận dịch vụ KHHGĐ giữa các vùng địa lý khác nhau nhằm mang lại lợi ích cho toàn bộ người dân, đặc biệt là cho đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào hiện đang sinh sống tại các vùng sâu, vùng xa.

Cùng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Ủy viên Đoàn chủ tịch, Trưởng ban Gia đình-Xã hội, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Giám đốc TT Chăm sóc sức khỏe sinh sản, cho biết: “Hội LHPN Việt Nam sẽ phối hợp với ngành Giáo dục tuyên truyền đổi mới về nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục Dân số, sức khỏe sinh sản, hình thành kiến thức và kỹ năng về Dân số, sức khỏe sinh sản đúng đắn. Áp dụng các biện pháp tránh thai An toàn cho các thế hệ tương lai”.

Tránh thai có lợi ích gì?

Chủ động trong việc sinh con: Lợi ích của việc phòng tránh thai sẽ giúp phụ nữ chủ động trong việc sinh đẻ của mình như chủ động trong thời gian sinh đẻ, khoảng cách sinh và số lượng con sinh ra.

Tránh được những tai biến sản khoa và không bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục: Nhờ việc không sinh con sớm, quá dày, quá nhiều hay quá muộn, đặc biệt khi người phụ nữ chưa phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn sinh lý nên sẽ hạn chế được các tai biến cho bà mẹ và thai nhi. Đẻ quá muộn thì làm tăng tỉ lệ dị tật thai. Đẻ quá nhiều và dày khiến cho phụ nữ hao mòn, dễ bị tai biến khi sinh đẻ, thậm chí là chết lưu và suy dinh dưỡng…

Phòng tránh thai giúp nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình: Lợi ích của việc phòng tránh thai giúp mỗi gia đình có đủ 2 con, không sinh quá nhiều. Từ đó, có điều kiện để chăm sóc, giáo dục con cái tốt hơn. Nâng cao được đời sống, kinh tế của mỗi gia đình. Do có sức khỏe, văn hóa và kinh tế tốt, chị em phụ nữ và các cặp vợ chồng có đủ điều kiện để thực hiện quyền hưởng thụ và bồi dưỡng sức khỏe tình dục, SKSS.


H.Nguyên
Ý kiến của bạn