Trong khuôn khổ Triển lãm chuyên ngành Y dược Việt Nam 2019, ngày 10/5 đã diễn Hội thảo “Liệu pháp miễn dịch tế bào gốc trong phòng, chống điều trị ung thư và bệnh tiểu đường- Các thành tựu trong y tế dự phòng Nhật Bản”.
Tại Hội thảo, bà Nghiêm Thị Minh Châu, Trưởng khoa Hóa trị Bệnh viện 103, Học viên Quân y cho biết, theo thống kê của tổ chức ung thư toàn cầu (Globocan) năm 2018, trên toàn cầu có khoảng 14,1 triệu ca ung thư mới mắc hàng năm và có khoảng 8,2 triệu người tử vong mỗi năm vì căn bệnh này; trong đó có 2/3 là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Tại Việt Nam, mỗi năm có gần 165.000 ca ung thư mới mắc, gần 115.000 trường hợp tử vong và hơn 300.000 người bệnh đang phải chiến đấu với ung thư.
Trong số các loại ung thư, ung thư gan đang dẫn đầu loại bệnh ung thư thường gặp ở nam giới, kế tiếp là phổi, dạ dày, đại trực tràng. Ở nữ giới ung thư thường gặp lần lượt là vú, dạ dày, phổi.
Theo bà Châu, phần lớn bệnh ung thư đều có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Tuy nhiên, thực tế, hầu hết người bệnh ung thư ở Việt Nam khám và điều trị ở giai đoạn muộn, tỷ lệ sống thấp.
“Hiện nay có nhiều liệu pháp tiến bộ đang được các cơ sở y tế áp dụng trong điều trị ung thư, thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận”, bà Châu nói.
Các chuyên gia chia sẻ thông tin tại hội thảo.
Theo các chuyên gia, hiện có rất nhiều nhiều phương pháp điều trị bệnh ung thư nhưng phương pháp điều trị chính vẫn là phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Tuy vậy hiện nay có một số liệu pháp tiến bộ đang được các cơ sở y tế áp dụng trong điều trị ung thư, thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Điển hình là liệu pháp miễn dịch và tế bào gốc là những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực y học dự phòng Nhật Bản.
Theo các chuyên gia, liệu pháp tế bào gốc là một trong các thành tựu nổi bật trong lĩnh vực y học dự phòng Nhật Bản.
Liệu pháp này giúp bổ sung các tế bào gốc khỏe mạnh, làm tăng số lượng các tế bào quan trọng bị giảm đi do quá trình lão hóa hoặc do bệnh tật. Các tế bào gốc tách từ mẫu tế bào của bệnh nhân sẽ được lựa chọn, hoạt hóa và nuôi cấy tại phòng nuôi cấy tế bào để đạt số lượng tăng trưởng và trạng thái tốt nhất. Sau đó, lượng tế bào gốc đã nuôi cấy được đưa trở lại cơ thể bệnh nhân bằng phương pháp truyền vào tĩnh mạch hoặc tiêm trực tiếp vào các khu vực cần điều trị.
Không chỉ là liệu pháp chống lão hóa tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay, trị liệu tế bào gốc còn có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ điều trị các bệnh như các bệnh về thần kinh, viêm khớp gối, các bệnh về tim mạch, huyết áp, tiểu đường và ung thư.
Ngoài ra, hội thảo còn tập trung vào các chủ đề như: Kỷ nguyên mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư tại Nhật Bản; Thực trạng và các biện pháp phòng chống, điều trị ung thư tại Việt Nam…