Sáng 8/11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn về các lĩnh vực khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông.
Tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Văn Khảm (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) cho biết, hàng năm có khoảng 2000 trẻ em tử vong do đuối nước. Một trong những biện pháp khắc phục hiệu quả là cần dạy trẻ bơi an toàn, tuy nhiên, tỷ lệ trường học có bể bơi còn thấp, việc dạy bơi chưa được đẩy mạnh.
Đại biểu Lê Văn Khảm đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết nguyên nhân của thực trạng này và giải pháp khắc phục trong thời gian tới để tăng tỷ lệ học sinh biết bơi theo chuẩn.
Trả lời về vấn đề đuối nước trẻ em, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, những năm trước đây tính trong khu vực Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia về tỉ lệ trẻ em đuối nước. Từ sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo và tổ chức Hội nghị toàn quốc và có công điện trong đó giao nhiệm vụ chính cho Bộ GD&ĐT, Bộ VH-TT&DL có trách nhiệm chỉ đạo dạy bơi chống đuối nước trong trường học. Từ đó, 2 năm qua, tín hiệu đáng mừng là tỷ lệ trẻ em đuối nước giảm đi.
Về giải pháp dạy bơi trường học còn nhiều hạn chế nhưng qua kiểm tra và đánh giá của tổ chức y tế thế giới ghi nhận có kết quả bước đầu nên cần tiếp tục khuyến khích thực hiện. Đồng thời, sẽ tiếp tục đẩy mạnh giải pháp và bố trí nguồn lực và thiết bị cho trường học.
Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Văn Khảm về phòng chống đuối nước, dạy bơi an toàn trong trường học, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT có trách nhiệm tổ chức dạy bơi, hướng dẫn an toàn dưới nước cho học sinh trong nhà trường.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, hiện nay tổng số trường học có bể bơi trong cả nước chỉ có 2.184 trường. Toàn bộ học sinh từ tiểu học tới THPT được dạy bơi và biết bơi mới đạt 33,59%. Tỷ lệ học sinh chưa biết bơi, chưa được tập bơi còn rất nhiều.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, một trong những khó khăn trong quá trình triển khai việc dạy bơi trong nhà trường đó là nhiều trường không có bể để tập bơi nhưng nhiều trường có bể lại hầu như để đấy, không vận hành được vì thiếu kinh phí. Đây là điểu băn khoăn và cần tháo gỡ trong thời gian tới.
"Kinh phí vận hành và quản lý bể bơi rất tốn kém. Một số tỉnh tháo gỡ bằng cách đưa danh mục đó vào chi phí của nhà trường do HĐND cấp tỉnh quyết định thì tháo gỡ được nhưng một số tỉnh nếu không đưa vào thì sẽ không xử lý được".
Đối với một số trường ngoài công lập có bể bơi, cơ chế tài chính cũng tốt hơn, nên đang làm tốt công tác này. Đối với trường công, việc sử dụng khai thác cơ sở vật chất này còn đang vướng mắc. "Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tích cực khắc phục, giải quyết những bất cập liên quan đến vấn đề này", Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói.