Hà Nội

“Mỗi một nhân viên y tế được chăm lo, thêm nhiều người dân được bảo vệ sức khỏe”

29-10-2019 16:18 | Thời sự
google news

SKĐS - Sáng ngày 29/10/2019, CĐYT VN đã tổ chức Hội thảo “Bảo vệ blouse trắng” với chuyên đề “An toàn vệ sinh lao động – phòng chống bạo hành nhân viên tại cơ sở y tế”.

Chương trình “Bảo vệ Blouse trắng” là một trong những nội dung nằm trong hoạt động phối hợp giữa Bộ Y tế và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cán bộ, nhân viên y tế năm 2019.

Phát biểu tại lễ khai mạc, đồng chí PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn ngành y tế cho biết: Mục tiêu của chương trình bảo vệ Blouse trắng là tuyên truyền để phát hiện gương người tốt, lan tỏa hình ảnh đẹp, chân thực của đội ngũ CCVCLĐ ngành y tế dù có nhiều áp lực về công việc nhưng vẫn vượt qua, làm tốt trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đề xuất xây dựng chính sách nhằm chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên Công đoàn ngành y tế cả nước, đảm bảo có môi trường lao động an toàn cho cán bộ y tế.

Chương trình Bảo vệ Blouse trắng đã triển khai được nhiều hoạt động thiết thực. Nhiều lớp tập huấn về An toàn, vệ sinh lao động và giao tiếp ứng xử đã được tổ chức ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Hàng trăm trường hợp cán bộ, nhân viên y tế bị phơi nhiễm, bị bệnh hiểm nghèo, bị hành hung khi đang làm nhiệm vụ được động viên, thăm hỏi. Một số nhà công vụ được trao tặng cho các trung tâm y tế vùng sâu, vùng xa…

“Mỗi một nhân viên y tế được chăm lo, thêm nhiều người dân được bảo vệ sức khỏe”Các đại biểu tham dự buổi  hội thảo " Bảo vệ Blouse trắng"

Hội thảo “Bảo vệ Blouse trắng” – Chủ đề “An toàn, vệ sinh lao động – phòng chống bạo hành nhân viên tại cơ sở y tế” là hoạt động cao điểm của Chương trình “Bảo vệ Blouse trắng” năm 2019. Tại hội thảo các tham luận của các nhà khoa học, các chuyên gia đã làm rõ hơn vấn đề bảo đảm an toàn, chăm sóc sức khỏe cho nhân viên y tế trong tình hình hiện nay.

Kiến nghị ban hành bổ sung nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong ngành y tế vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Rà soát xây dựng BNN mới của ngành Y tế để bổ sung vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội. Xây dựng cơ sở dữ liệu BNN trong ngành y tế; Xây dựng chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế về tăng cường công tác ATVSLĐ, phòng chống BNN cho nhân viên y tế; Cục Quản lý môi trường y tế phối hợp với Công đoàn xây dựng hướng dẫn thực hiện công tác ATVSLĐ trong ngành y tế. Trong đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, thay đổi được thói quen, nhận thức, tác phong của NLĐ và người SDLĐ trong công tác ATVSLĐ; Lãnh đạo các đơn vị đẩy mạnh việc cải thiện điều kiện lao động nhằm giảm thiểu các yếu tố có hại trong môi trường lao động; Thúc đẩy các đơn vị, doanh nghiệp khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho NLĐ, quan trắc môi trường lao động; Tăng cường công tác đào tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ. Đẩy mạnh đầu tư nguồn lực và ngân sách cho công tác vệ sinh lao động, chăm sóc, nâng cao sức khỏe và phòng chống BNN; Bộ Y tế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về ATVSLĐ; rà soát, đề xuất định mức kinh tế kỹ thuật trong thực hiện pháp luật an toàn vệ sinh LĐ trong ngành y tế vào giá viện phí.

Về vấn đề chống bạo hành cần sửa đổi Luật hình sự để đảm bảo hành vi tấn công nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ cũng phải chịu hình thức xử phạt tăng nặng và hình phạt có tính răn đe như khi tấn công các lực lượng thi hành công vụ khác; Sửa đổi luật khám bệnh, chữa bệnh về trách nhiệm của người bệnh, người nhà BN đối với dịch vụ khám chữa bệnh; Lực lượng công an cùng tham gia vào việc tuyên truyền về luật pháp tại các cơ sở y tế để mọi người dân đều nắm được Luật; phối hợp với ngành y tế bằng nhiều hình thức để phòng chống, xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp bạo hành; Tăng cường tuyên truyền để cán bộ, nhân viên y tế phải có kỹ năng ứng xử, giao tiếp thích hợp vì người bệnh, nhưng khi xảy ra sự cố phải thái độ mạnh mẽ hơn, phải lên tiếng với vấn đề bạo hành để bảo vệ tốt hơn tính mạng của chính mình và đồng nghiệp; Lãnh đạo Cơ sở y tế có trách nhiệm xây dựng phương án phòng chống (trong đó kết nối chuông báo động với công an gần nhất, hợp đồng chốt bảo vệ của công an tại bệnh viện), quy trình xử lý khi có bạo hành để phổ biến và niêm yết tại các cơ sở y tế; Cục quản lý khám chữa bệnh tăn cường kiểm tra 83 tiêu chí đánh giá bệnh viện trong đó có tiêu chí C1.1 về đảm bảo an ninh trật tự bệnh viện; Sự phối hợp chặt chẽ của Sở Y tế với Liên đoàn Lao động các tỉnh thành phố thông qua quy chế phối hợp để triển khai quy chế phối hợp của Bộ Y tế với Tổng LDLDVN; Tăng cường vai trò của các bộ, ban, ngành đoàn thể, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền và xử lý khi có sự cố xảy ra tại các bệnh viện.

Chương trình Bảo vệ Blouse trắng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của các cơ quan chức năng, chính quyền, doanh nghiệ và và báo chí cả nước để công tác chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, nhân viên y tế ngày càng hiệu quả. Mỗi một nhân viên y tế được chăm lo, sẽ có thêm nhiều người dân được bảo vệ sức khỏe – Đó là thông điệp từ Chương trình này.

Bạo hành nhân viên y tế gồm: Bạo hành về tinh thần bằng lời nói, uy hiếp, dọa nạt, mắng chửi, lăng mạ, quấy rối tình dục…. Về thể chất: hành hung, đánh đập. Bạo hành về tinh thần là chủ yếu chiếm trên 80%. Bạo hành nơi làm việc có thể xảy ra ở tất cả các ngành nghề, Y tế có tỷ lệ cao, chiếm 25% tổng số bạo hành tại nơi làm việc.

 


L.Chi
Ý kiến của bạn