Mỏi mệt tay chân có phải mắc bệnh nhược cơ?

13-05-2025 05:31 | Phòng mạch online

SKĐS - Nhược cơ là một loại bệnh thần kinh – cơ, biểu hiện mỏi mệt cơ tăng dần theo thời gian sinh hoạt, lao động hàng ngày. Các dấu hiệu đặc trưng là tình trạng yếu cơ xảy ra khi hoạt động cơ lặp đi lặp lại và cải thiện khi nghỉ ngơi,, do vậy người bệnh thường than phiền yếu cơ sau khi gắng sức.

Nhược cơ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừaNhược cơ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

SKĐS - Bệnh nhược cơ gây ra do các rối loạn dẫn truyền thần kinh - cơ, với các triệu chứng yếu cơ, khó nuốt, khó thở... Bệnh nếu không được chữa trị kịp thời, sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là tử vong do suy hô hấp cấp.

30 tuổi bị yếu tay chân do bệnh nhược cơ

Bệnh nhân nam 30 tuổi đột ngột bị khó thở, yếu tay chân, sau khi thăm khám các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị nhược cơ và cho truyền huyết tương để loại bỏ kháng thể gây bệnh.

Trước khi nhập viện thì bệnh nhân thường xuyên bị sụp nhẹ mí mắt trái, khó nuốt khi ăn thực phẩm cứng, triệu chứng kéo dài và ngày càng nặng dần. Cuối tháng 3/2025 bệnh nhân bị khó thở và yếu tay chân nên được đưa đi khám tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, kết quả xét nghiệm cho thấy huyết thanh dương tính với kháng thể chống lại thụ thể Acetylcholine - dấu hiệu điển hình của bệnh nhược cơ (Myasthenia Gravis - MG).

Sau một thời gian điều trị thì chức năng hô hấp của người bệnh dần ổn định, các triệu chứng thuyên giảm. Bệnh nhân được chuyển sang điều trị duy trì với thuốc ức chế đặc hiệu để cải thiện quá trình truyền tín hiệu thần kinh đến cơ, kết hợp với Corticosteroid đường uống để kiểm soát viêm và duy trì chức năng miễn dịch. Hiện bệnh nhân hồi phục tốt, có thể sinh hoạt gần như bình thường, duy trì tái khám để theo dõi diễn tiến bệnh và ngăn ngừa nguy cơ tái phát của cơn nhược cơ cấp.

Biểu hiện của nhược cơ

Nhược cơ có biểu hiện đặc trưng bởi tình trạng yếu mỏi cơ có tính chất dao động trong ngày và không có rối loạn cảm giác. Bệnh gây ra tình trạng suy giảm sức vận động của cơ, có xu hướng trở thành mạn tính và nặng dần theo thời gian.

Tình trạng yếu mỏi cơ tăng lên khi vận động và hồi phục khi nghỉ ngơi. Đa số trường hợp bệnh khởi phát âm thầm, một số ít tiến triển rất nhanh, có thể khởi phát sau khi bị nhiễm trùng, stress, gây mê hoặc có thai.

Dấu hiệu của nhược cơ là yếu cơ xảy ra khi hoạt động cơ lặp đi lặp lại và cải thiện khi nghỉ ngơi.

Triệu chứng dễ nhận biết nhất là tình trạng yếu, thậm chí liệt một hoặc nhiều nhóm cơ trong cơ thể. Cụ thể:

Cơ tay hoặc cơ chân yếu khiến người bệnh có thể không vận động một cách bình thường, khó khăn trong đi lại, cầm nắm, nhấc tay lên…

Yếu nhóm cơ tại vùng đầu, mặt và cổ gây ra tình trạng sụp mí, khó nhai, khó nuốt, liệt mặt, thay đổi giọng nói, mệt mỏi...

Nhóm cơ hô hấp bị yếu gây ra hiện tượng khó thở, thở gấp, suy hô hấp cấp…

Mỏi mệt tay chân có phải mắc bệnh nhược cơ?- Ảnh 2.

Nhược cơ là một vấn đề thường gặp.

Phần lớn các biểu hiện của bệnh nhược cơ sẽ xuất hiện phổ biến nhất vào thời gian cuối ngày hoặc sau khi cơ thể vận động nhiều và liên tục. Khi người bệnh nghỉ ngơi thì các triệu chứng có chiều hướng thuyên giảm.

Bên cạnh đó các cơ thường bị suy giảm, yếu về một bên, gây ra tình trạng không đối xứng hoặc đôi khi sẽ đi kèm với một vài rối loạn khác. Người bệnh cũng có thể gặp phải các ảnh hưởng liên quan đến cảm giác hay phản xạ thần kinh.

Điều quan trọng là phân biệt yếu cơ với mệt mỏi hoặc buồn ngủ. Tỷ lệ ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn hoặc vệ sinh giấc ngủ kém cao hơn ở người bệnh nhược cơ, do đó buồn ngủ thứ phát sau rối loạn giấc ngủ có thể cùng tồn tại ở người bệnh nhược cơ.

Diễn tiến của nhược cơ

Bệnh tiến triển qua các giai đoạn:

Giai đoạn 1: Chỉ một nhóm cơ bị xâm phạm, thường là các cơ vận động ở mắt.

Giai đoạn 2A: Toàn bộ các cơ bị xâm phạm, nhưng chưa có xâm phạm hô hấp hoặc hầu họng.

Giai đoạn 2B: Toàn bộ các cơ kèm theo triệu chứng hầu họng.

Nhược cơ là chứng bệnh có liên quan nhiều tới cơ chế bệnh tự miễn, cần phân biệt bệnh nhược cơ nặng với các hội chứng nhược cơ. Cần chú ý tới bệnh nhược cơ ở trẻ em, ở phụ nữ có thai.

Nhược cơ cấp

Là thể bệnh cấp cứu, thường gặp ở những người có tiền sử chữa nhược cơ, lại có thai hoặc có u ác tính ở tuyến ức.

Ở thể nhược cơ cấp thì các cơn mỏi cơ gần như liền nhau, nhất là các cơ hô hấp (gây khó thở cấp), ăn nghẹn, uống sặc (phân biệt khó thở cấp của nhiều căn bệnh khác: các bệnh nội, bệnh phổi…).

Nhược cơ thông thường

Thường gặp ở nữ, ở trẻ em quãng 10 tuổi và lứa tuổi 20 - 40. Biểu hiện ban đầu là chứng mỏi mệt cơ theo thời gian lao động sinh hoạt hàng ngày, có thể chỉ có hiện tượng sụp mi mắt ở một bên, ở hai bên hoặc nhai khó, nuốt khó, mỏi mệt tay chân…

Tóm lại: Nhược cơ là vấn đề thường gặp. Để chẩn đoán bệnh cần dựa trên kết quả khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp như đo điện cơ, xét nghiệm kháng thể, chụp CT lồng ngực.

Bác sĩ có thể chỉ định điều trị phù hợp tùy mức độ nặng hoặc biểu hiện triệu chứng nhược cơ, cơ địa người bệnh và bệnh nền kèm theo. Các phương pháp như điều trị triệu chứng, ức chế miễn dịch, điều hòa miễn dịch cấp, thay huyết tương hoặc phẫu thuật cắt bỏ tuyến ức. Vì vậy, khi có biểu hiện nghi ngờ cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Các câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh nhược cơCác câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh nhược cơ

SKĐS - Bệnh nhược cơ là một bệnh tự miễn gây rối loạn thần kinh cơ. Điều này làm cho cơ mắt, mặt, cổ họng, cánh tay… yếu và mệt mỏi.

BS Nguyễn Hồng Quế
Ý kiến của bạn