Nhưng gần đây, phim truyền hình Việt phải chịu sự cạnh tranh từ những bộ phim nước ngoài, các bộ phim chiếu online hay từ truyền hình thực tế... Những bộ phim đề tài làng quê ngày càng khan hiếm, nếu có thì cũng không đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của khán giả.
Vất vả tìm bối cảnh phim
Chia sẻ về tình trạng khan hiếm phim đề tài làng quê, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần - người đã thành công với nhiều phim truyền hình về đề tài nông thôn cho rằng, sở dĩ phim về nông thôn có số lượng ít vì nhà sản xuất phải dựa vào quảng cáo để thu hồi vốn. Trong khi đó, các nhãn hàng, nhà tài trợ ít quan tâm đến các phim về đề tài nông thôn. Khách hàng thường xuyên mà các nhà tài trợ mong muốn hướng đến là những người trẻ, người thành thị.
Hiện nay, đa phần phim truyền hình chỉ phản ánh một phần hiện thực mà bỏ quên nhiều mảng khác, dẫn tới tình trạng xa rời với nông dân.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh thì cho rằng, làm phim về nông thôn hiện nay vô cùng khó. Những làng quê của đồng bằng Bắc Bộ cũ luôn là những ký ức vô cùng đẹp, không chỉ với những người đang sinh sống ở nông thôn mà còn cả những người con xa xứ. Thế nhưng, làng quê bây giờ đã phố hóa, bê tông hóa quá nhiều. Chính vì thế, đối với những phim về đề tài nông thôn, tìm kiếm bối cảnh cho phim là công đoạn vô cùng vất vả. Ví như phim Thương nhớ ở ai được đầu tư bối cảnh, diễn viên, kỹ xảo cùng những khảo cứu về thời đại, trang phục cùng chi phí khủng. Phim lấy bối cảnh quá khứ đều phải đối mặt với thực tế đô thị hóa đã xóa gần hết những dấu vết kiến trúc xưa cũ, khiến việc sản xuất phim ngày càng trở nên rất khó khăn, đắt đỏ. Để làm được ra chất nông thôn Bắc Bộ trong Thương nhớ ở ai, đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã phải chọn bối cảnh từ hàng chục cái làng.
Sau khi quay xong, đoàn làm phim đã phải xử lý kỹ xảo cho 2.000 cảnh, nên phải mất 3 năm phim mới ra mắt được khán giả. Để bảo đảm tính chân thực của phim, người phụ trách phần phục trang - họa sĩ Nguyễn Dũng Minh cẩn thận đi tìm tư liệu, những bức ảnh cũ về thời kỳ ấy, thậm chí, anh hỏi chuyện các cụ cao tuổi ở vùng quê, từ đó biết về công dụng chiếc yếm: các bà, các mẹ mặc yếm ở nhà, lúc bắt cá, gánh nước hay làm đồng; họ chỉ khoác thêm áo cánh khi tiếp khách, hay đi đến chốn đông người.
Những góc khuất bị lãng quên
Đã từng có thời gian những bộ phim phản ánh vấn đề của nông thôn thời hiện đại thường xuyên được chiếu trong khung “giờ vàng”, thu hút được lượng khán giả đông đảo và “gây bão” truyền hình cả nước. Có thể nhắc tới những bộ phim ấn tượng như Mẹ chồng tôi, Chuyện nhà Mộc, Đất phương Nam, Đất và người, Ma làng, Gió làng Kình... Nhưng dường như phim đề tài làng quê không còn giữ được phong độ như trước nữa. Thay vào đó là những bộ phim mang tính thị trường. Nội dung thường xoay quanh các vấn đề yêu đương, ngoại tình, mối quan hệ đại gia - chân dài, đánh ghen cùng những cảnh nhà giàu, xe hơi, những căn biệt thự xa hoa... Trong khi đó, có đến 70% dân số cả nước hiếm có điều kiện đến rạp mua vé xem phim, vì thế, đối với đa số người dân nông thôn, phim truyền hình là một trong những phương thức giải trí hiếm hoi. Và đối với một bộ phận không nhỏ nông dân, những cảnh ăn chơi, nhà hàng, biệt thự... gần như là điều xa vời và lạ lẫm.
Những phim đề tài nông thôn lấy bối cảnh quá khứ đều phải đối mặt với thực tế đô thị hóa đã xóa gần hết những dấu vết kiến trúc xưa cũ, khiến việc sản xuất phim ngày càng trở nên rất khó khăn, đắt đỏ.
Giới chuyên môn nhận định, phim truyền hình cần tiếp cận hiện thực khách quan của cuộc sống. Thế nhưng hiện nay, đa phần phim truyền hình chỉ phản ánh một phần hiện thực mà bỏ quên nhiều mảng khác, dẫn tới tình trạng xa rời với nông dân. Năm 2017, dù Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng đã “gây bão” trên sóng truyền hình với lượng người xem cao kỷ lục, nhưng không thể phủ nhận, nhiều chi tiết, hình ảnh trong phim được cường điệu hóa sự thật, mâu thuẫn bị đẩy lên cao trào đến mức vô lý, khiến bộ phim phần nào mất đi sự hấp dẫn.
Cần nhắc lại, trong năm qua, phim truyền hình khai tác đề tài làng quê có thể kể đến Thương nhớ ở ai. Sau mấy năm trời chuẩn bị và mong chờ, Thương nhớ ở ai lên sóng như một điểm sáng trên màn ảnh nhỏ Việt Nam. Khắc họa bức tranh làng quê Việt ở một giai đoạn lịch sử đáng chú ý, bộ phim nhận nhiều quan tâm từ phía khán giả. Không ít người xem thể hiện sự trân trọng với tác phẩm mang đậm hơi thở quá khứ. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng phim quá táo bạo khi để dàn diễn viên không mặc nội y xuất hiện trên truyền hình, và có những lời thoại nhạy cảm, không thích hợp. Trong một số phân cảnh, cơ thể đầy đặn của nhân vật ẩn hiện qua lớp yếm mỏng manh nhận nhiều ý kiến trái chiều từ phía người hâm mộ. Thậm chí, không ít bình luận cho rằng đây là chiêu trò của nhà làm phim. Bên cạnh đó, mỗi tập phim đều bị cắt từ 5-7 phút, đây là mất mát to lớn của đoàn làm phim khi bộ phim khó có thể truyền tải hết thông điệp, ý nghĩa do không được phát sóng đầy đủ.
Trước những lùm xùm, gièm pha từ khán giả, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội, bức tranh làng quê xưa có thể bị “vấy bẩn” bởi tai tiếng hiện đại, khi cứ nhắc đến cái tên Thương nhớ ở ai, người ta lại nghĩ đến bộ phim có dàn diễn viên mang trang phục phản cảm, dùng lời nói thiếu tế nhị.
Có thể nói, sự mộc mạc trong từng cảnh quay cộng thêm cốt truyện thực tế, đầy tính thời sự, nhiều bộ phim về làng quê Việt hút khách không thua kém gì phim “bom tấn” khi lên sóng. Tuy nhiên gần đây, tràn ngập trên sóng là các phim về tình yêu, gia đình, tranh quyền đoạt lợi chốn phố thị hay phim hài giải trí... Bởi thế, những bộ phim truyền hình về nông thôn, phản ánh các vấn đề về cuộc sống của người nông dân không khác nào... sao buổi sớm.