Bốn giờ chiều, khi mình đang nghe bàn giao từ tua trực thì có bệnh nhân vào cấp cứu. Bệnh nhân nam, tên Châu, 62 tuổi, có tiền căn đau nhức khớp, sử dụng corticoid kéo dài.
- Chú mới xuất viện 1 tuần, giờ lại nhập viện nữa sao?
- Đau nhức quá, chịu không nổi bác sĩ ơi.
Mình nhìn bệnh nhân mà giấu tiếng thở dài.
Toàn thân chú bủng beo, da mỏng, đầy mảng xuất huyết và rậm lông. Mặt tròn ửng đỏ. Bụng nhiều vết rạn. Cơ tay cơ chân teo đét.
Cần tin tưởng và dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Trong cuộc sống luôn hiện diện những cơn đau dù muốn hay không. Có những cơn đau giúp chúng ta dừng lại, có những cơn đau giúp chúng ta trưởng thành, có những cơn đau đưa chúng ta đến bệnh viện nhưng cũng có những cơn đau làm chúng ta hoảng loạn và đánh mất nhân cách của mình.
Giá như những ngày đầu, chú chấp nhận và sống cùng với những cơn đau nhỏ thay vì tìm mọi cách để “không đau” thì giờ đây không bị nhấn chìm trong một cơn đau lớn, cơn đau nghiện corticoid mà dân gian quen gọi là dexa. Corticoid là thuốc kháng viêm giảm đau mạnh, cũng là một trong những “hormon sinh mạng” giúp con người chống lại stress, duy trì huyết áp, chống sốc... Khi mới sử dụng, corticoid làm giảm đau giảm sưng nhanh chóng, giúp bệnh nhân ăn ngon, ngủ ngon, lên cân. Nhưng khi dùng kéo dài thì gây ra biết bao biến chứng nghiêm trọng và có thể dẫn đến “nghiện”.
Bệnh nhân nào đến bác sĩ cũng mong muốn chữa dứt những cơn đau, càng nhanh càng tốt. Chẳng ai muốn đến bác sĩ mỗi tuần mỗi tháng để nghe bệnh không thể chữa lành. Vì thế trong những đơn thuốc điều trị hay có corticoid. Và vì thế trong những loại thuốc tễ không rõ nguồn gốc người ta trộn dexa vào. Thêm vào đó, bệnh nhân Việt Nam hễ thấy thuốc nào uống bớt bệnh là cứ mua dùng từ ngày này sang ngày khác, không chịu tái khám định kỳ. Có lẽ họ “ngại” đến bác sĩ - tốn thời gian, tốn tiền. Nhưng họ nào biết khi bệnh đến giai đoạn nghiêm trọng, hay bị lệ thuộc thuốc..., thời gian nằm viện và tiền bạc bỏ ra tốn gấp trăm lần. Lợi hay hại đôi khi chúng ta chỉ nhận ra ở cuối con đường. Nhưng khi ở cuối con đường rồi, chúng ta đâu còn thời gian để quay lại sửa chữa.
Năm giờ chiều, lại một bệnh nhân “nghiện” vào cấp cứu. Anh ta không nghiện corticoid mà là nghiện rượu. Lần nhập viện này vì đi cầu phân đen, đau vùng thượng vị với bệnh nền xơ gan do rượu.
- Mấy ngày lễ mà bác sĩ. Uống cho vui với anh em. Không lẽ đàn ông gặp nhau đi uống nước suối, sữa chua.
- Vậy giờ anh có thấy vui không? Trên bàn nhậu thì chén anh chén em, chén tạc chén thù, nhưng khi vào bệnh viện, đớn đau chỉ một mình mình, tốn kém cũng chỉ một mình mình. Anh thử nhìn xem có bạn nhậu nào thức đêm thức hôm hốt phân dãi, hốt nước ói anh ói ra không?
Một khoảng yên lặng kéo dài. Cũng đủ lâu.
- Anh có biết bệnh xơ gan là bệnh có thể tử vong trong vòng 2-4 năm sau khi chẩn đoán nếu anh cứ tiếp tục dùng bia rượu và thuốc lá không?
- Thật sự thì... không vui đâu, bác sĩ ơi... Càng buồn càng uống. Càng uống càng bệnh. Càng bệnh càng buồn.
- “Và càng rơi vào vòng lẩn quẩn không lối thoát” - mình định nói như thế nhưng ngập ngừng rồi thôi.
Thật sự chúng ta ai cũng “nghiện”, không thứ này thì thứ khác. Có hơn gì nhau với phận người yếu đuối dễ tổn thương này. Nhưng mấy ai biết điều đó. Có phải chính vì yếu đuối, dễ tổn thương nên chúng ta phải sống theo đám đông? Đám đông nói rằng uống rượu bia, hút thuốc là thể hiện sự mạnh mẽ, nam tính. Nhưng nam tính thực sự có thể hiện trên bàn nhậu hay trong gói thuốc? Hay nam tính thể hiện ở người biết chịu trách nhiệm về bản thân mình và người thân, dám cầm lên, dám ngừng lại, dám buông xuống?
Bạn có biết vì sao mình ngập ngừng không nói? Bởi mình nghĩ chẳng giúp ích được gì lúc này, có khi còn làm nỗi đau sâu hơn. Lời nói không phải dao nhưng có thể gây tổn thương và khó chữa lành. Thay vì nói, im lặng vẫn tốt hơn.
Khi trưởng thành rồi người ta im lặng nhiều hơn. Im lặng trước những đúng sai. Im lặng trước những thị phi và im lặng trước cả được mất. Không phải người ta sợ hãi, nhu nhược, yếu mềm mà là người ta đã hiểu nhiều hơn.
Ngay như Thượng đế còn không phán xét đúng sai mà. Tất cả đều do chúng ta tự do lựa chọn con đường để đi. Mỗi lựa chọn làm nên mỗi giá trị khác nhau. Không ai cầm rượu đổ vào miệng chúng ta được, trừ những trường hợp bất khả kháng...