Với chiều dài 125km bờ biển, Quảng Nam có đến 6/17 huyện, thị xã, thành phố phân bố dân cư sống dọc ven biển. Do không chú trọng đến phát triển kinh tế gắn với công tác bảo vệ môi trường, người dân các vùng ven biển đang đứng trước khó khăn về nguồn nước sinh hoạt và môi trường sống đang bị ô nhiễm nặng.
Khan hiếm nước sinh hoạt
Rác thải tại bãi biển. |
Hiện nay không chỉ dừng lại những yếu tố tự nhiên đã ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của nguời dân ven biển mà ngay cả nguồn nước mặn cũng đang bị nhiễm bẩn đến mức báo động, đặc biệt ở các khu vực sông lạch và các cửa biển như Cửa Đại, Kỳ Hà hay tại các bãi biển... Nơi đây, nhiều khu, cụm công nghiệp và những khách sạn, dịch vụ nhà hàng mọc lên nhưng hầu hết các nhà máy, xí nghiệp vẫn chưa có biện pháp khống chế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt ở các đô thị chưa được xử lý, đều xả trực tiếp ra cống rãnh rồi đổ dồn ra các cửa sông chính. Cùng với nước thải công nghiệp, nhiều nguời dân ven biển đang đua nhau lấn đê, ngăn sông, phá các cánh rừng trên vùng đất ngập nước để làm hồ nuôi tôm, nuôi cá. Đơn cử như dọc sông Trường
Giang hiện nay, tình trạng lấn chiếm dòng sông để làm hồ nuôi tôm tại các huyện Thăng Bình, Núi Thành, Tam Kỳ... đang có chiều hướng gia tăng, đã gây ách tắc dòng chảy, tạo điều kiện cho nước biển xâm thực mạnh. Hay tại các xã Cẩm Thanh (Hội An), Tam Giang (Núi Thành) vì lợi ích kinh tế trước mắt, nguời dân địa phương đã chặt phá hàng trăm hecta rừng ngập mặn để làm hồ nuôi tôm, chiều hướng dòng chảy thay đổi theo làm xấu môi trường sống và điều kiện sản xuất nông nghiệp ở địa phương.
Nhà vệ sinh thiếu trầm trọng...
Cùng với chuyện bức xúc bởi nguồn nước bị nhiễm mặn, vấn đề vệ sinh môi trường ở các khu dân cư ven biển cũng đang là tình trạng hết sức lo ngại. Phần lớn các hộ dân vùng ven biển không có nhà vệ sinh, do vậy, chất phế thải trong gia đình đều “chọn” bờ biển làm nơi xử lý. Theo dọc các khu vực biển ở các xã ven biển, có thể bắt gặp đủ các loại rác, tạp chất, xác súc vật. Vào lúc chập choạng tối hay rạng sáng, bờ biển trở thành những nhà vệ sinh lộ thiên. Vì thế, ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư ven biển trở thành vấn đề bức xúc.
Làm thế nào để cải thiện, bảo đảm nguồn nước sạch và môi trường sống của người dân ven biển trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện nay đang là vấn đề đáng quan tâm của các ngành, các cấp. Nhưng để giải quyết được vấn đề đó không phải chuyện một sớm một chiều. Về lâu dài cần phải có giải pháp đồng bộ xử lý và giảm thiểu ô nhiễm nước thải từ công nghiệp và khu dân cư đô thị triệt để, trước khi đổ ra các cửa sông chính. Đồng thời, phải có quy hoạch phát triển kinh tế nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững và có giải pháp quy hoạch khu dân cư mới ở các xã ven biển, thực hiện kế hoạch giãn dân nhằm từng bước giảm mật độ dân cư, bảo đảm vệ sinh môi trường sống ở khu vực.
Bài và ảnh: Bùi Hữu Cường