Các nhà khoa học tại Đại học Nottingham đã kiểm tra tính an toàn của acetaminophen (paracetamol) dạng uống, với liều điều trị, ở người cao tuổi.
Phân tích hồ sơ sức khỏe của 180.483 người từ 65 tuổi trở lên với độ tuổi trung bình là 75, đã đăng ký với một phòng khám của Anh trong ít nhất một năm từ năm 1998 đến năm 2018; so sánh với một nhóm đối chứng gồm 402.478 cá nhân cùng độ tuổi, chưa bao giờ được kê đơn paracetamol để sử dụng lâu dài.
Kết quả cho thấy, việc sử dụng paracetamol kéo dài có liên quan đến việc tăng nguy cơ loét dạ dày tá tràng, suy tim, tăng huyết áp và bệnh thận mạn tính.
Hầu như tất cả các hướng dẫn lâm sàng đều khuyến cáo acetaminophen là phương pháp điều trị dược lý đường uống đầu tay cho chứng đau do viêm xương khớp (OA), chủ yếu là do nó được cho là an toàn hơn các thuốc giảm đau đường uống khác.
Theo GS. Weiya Zhang, người đứng đầu nghiên cứu, do được coi là an toàn, paracetamol từ lâu đã được khuyến nghị là thuốc điều trị đầu tay cho bệnh thoái hóa khớp, theo nhiều hướng dẫn điều trị, đặc biệt là ở những người lớn tuổi có nguy cơ cao gặp các biến chứng liên quan đến thuốc.
Với kết quả của nghiên cứu này, kết hợp với tác dụng giảm đau tối thiểu của thuốc, cần đánh giá lại vai trò của paracetamol như một loại thuốc giảm đau hàng đầu và cân nhắc dùng cho các tình trạng bệnh mạn tính như viêm xương khớp ở người lớn tuổi, GS. Zhang khuyến cáo.
Sử dụng paracetamol nhiều lần có thể dẫn đến viêm xương khớp ở người cao tuổi.
Một rủi ro đáng lo ngại khác là tác động của thuốc đến chức năng gan. Liều cao hoặc sử dụng kéo dài có thể dẫn đến độc tính với gan, có khả năng gây suy gan cấp tính. Điều này đặc biệt cần lưu ý đối với người cao tuổi, những người có chức năng gan đã bị suy yếu do tuổi tác hoặc các tình trạng bệnh lý từ trước.
Các nghiên cứu cũng cho thấy, acetaminophen có thể gây ra các tác dụng phụ phụ thuộc cyclooxygenase (COX), tương tự như các tác dụng phụ của thuốc chống viêm không steroid (NSAID) khác… Điều này cho thấy, paracetamol không còn an toàn như chúng ta thường nghĩ.