Mối liên quan giữa đường máu và trí nhớ

28-11-2016 08:05 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Đường (glucose) trong máu cao, ngay khi bạn không có bệnh đái tháo đường có thể đặt bạn vào nguy cơ giảm trí nhớ?

Vì sao não suy yếu khi đường huyết tăng?

Một tác dụng phụ ít được biết đến của lượng đường trong máu cao có thể làm suy yếu não của bạn, ngay cả khi glucose máu nằm trong giới hạn “bình thường”.

Hầu hết người lớn có khoảng 4-5 lít máu trong cơ thể và khá ngạc nhiên khi biết rằng trong đó chỉ có một muỗng cà phê đường! Nói cách khác, cơ thể của bạn được thiết kế để chỉ có một muỗng cà phê đường trong máu vào mọi lúc. Nếu lượng đường trong máu của bạn đã tăng lên một muỗng canh đường, bạn sẽ có nguy cơ đi vào hôn mê do tăng đường huyết và thậm chí tử vong.

Cơ thể của bạn làm việc vất vả để ngăn chặn điều này xảy ra bằng cách tăng cường sản xuất insulin từ tuyến tụy, có tác dụng đưa glucose vào trong tế bào để giữ lượng đường trong máu của bạn ở mức độ thích hợp và duy trì cung cấp năng lượng cho cơ thể. Bất kỳ bữa ăn chính hoặc bữa ăn nhiều hạt và nhiều carbohydrate tạo đường thường làm gia tăng nhanh chóng lượng glucose trong máu.

Mối liên quan giữa đường máu và trí nhớĐường huyết tăng cao gây suy giảm trí nhớ.

Một nghiên cứu đã đăng tải ở Tạp chí The New England Journal of Medicine. Các tác giả đo lượng đường trong máu ở hơn 2.000 người lớn tuổi (tuổi trung bình 76). Họ nhận thấy rằng bất kỳ sự gia tăng lượng đường trong máu đều có liên quan với nguy cơ bị mất trí nhớ; lượng đường trong máu càng cao ở những người tham gia càng có nhiều nguy cơ tăng mất trí nhớ.

Những phát hiện này cung cấp bằng chứng mới mạnh mẽ rằng, lượng đường trong máu cao có thể có tác hại đối với não bộ lão hóa. Ngoài ra, lượng đường trong máu không kiểm soát được có thể làm hỏng các mạch máu trong cơ thể, bao gồm cả trong não. Kém tưới máu cho não bộ là một nguyên nhân của bệnh mất trí nhớ và có thể làm trầm trọng thêm các rối loạn nhớ ở người bị bệnh Alzheimer. Nó cũng có thể gây đề kháng insulin gặp ở những người có lượng đường trong máu cao làm tổn hại cho các tế bào não.

Hạn chế dư thừa đường trong máu là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe não của bạn.

Làm gì để bảo đảm cho trí nhớ của bạn luôn tốt?

Về lâu dài, đảm bảo một chế độ ăn uống và luyện tập lành mạnh sẽ là chìa khóa cho sức khỏe của não.

Tập thể dục

Tập thể dục khuyến khích não của bạn làm việc hết công suất tối ưu bằng cách kích thích các tế bào thần kinh, tăng cường mối liên kết và bảo vệ chúng khỏi bị hư hại. Trong khi tập, tế bào thần kinh giải phóng protein được gọi là các yếu tố dinh dưỡng thần kinh, tăng cường sức khỏe thần kinh và trực tiếp lợi ích cho chức năng nhận thức, bao gồm cả việc học tập. Ngoài ra, tập thể dục là một trong những cách hiệu quả giúp bạn có thể tăng cường việc sử dụng đường trong máu, kết quả làm giảm đường máu.

Ngủ đúng

Ngủ tối thiểu 7 giờ là một thói quen lành mạnh nhất. Tránh những bữa ăn nặng, cà phê, rượu và các hoạt động căng thẳng ngay trước khi đi ngủ. Giữ lịch trình giấc ngủ của bạn phù hợp, thậm chí vào những ngày cuối tuần. Dứt máy tính xách tay và điện thoại thông minh khỏi người ít nhất 30 phút trước khi ngả đầu vào gối.

Các tổ chức nghiên cứu về giấc ngủ uy tín đã đưa ra các khuyến cáo thời gian ngủ hợp lý theo lứa tuổi: Thanh thiếu niên (14-17 tuổi): 8-10 giờ mỗi ngày; thanh niên (18-25 tuổi): 7-9 giờ mỗi ngày; người trưởng thành (26-64 tuổi): 7-9 giờ mỗi ngày; người già (trên 65 tuổi): 7-8 giờ mỗi ngày.

Ngoài ngủ đủ thời gian trung bình chung, ngủ sâu và ngon giấc không kém phần quan trọng, tất cả giúp cho đầu óc của bạn luôn minh mẫn với một trí nhớ tốt.

Bổ sung vitamin B12 khi cần

Rối loạn bộ nhớ là một trong số những dấu hiệu cảnh báo hàng đầu có thể thiếu vitamin B12. Vitamin B12 tốt cho sức khỏe não bộ, các nghiên cứu gần đây đã củng cố tầm quan trọng của vitamin này trong việc giữ tâm trí của bạn sắc nét khi bạn già đi. Nên bổ sung vitamin B12 theo hướng dẫn của bác sĩ.

Chất béo omega-3 từ động vật

Docosahexaenoic acid hoặc DHA - một chất béo omega-3 là một thành phần cấu trúc quan trọng của cả bộ não và võng mạc của bạn. Trừ đi lượng nước, khoảng 60% bộ não của bạn bao gồm chất béo, 25% trong số đó là DHA. DHA được tìm thấy ở nồng độ cao trong tế bào thần kinh của bạn, các tế bào của hệ thống thần kinh trung ương nơi mà nó cung cấp hỗ trợ cấu trúc. Khi lượng omega-3 không đầy đủ, tế bào thần kinh của bạn trở nên “cứng” và dễ bị viêm nhiễm. Khi các tế bào thần kinh của bạn trở nên “cứng” và viêm, dẫn truyền thần kinh thích hợp từ tế bào này sang tế bào kia và trong các tế bào trở nên rối loạn.

Bổ sung omega-3 hàng ngày thông qua chế độ ăn uống động vật như cá béo chẳng hạn, đặc biệt là phụ nữ đang mang thai.


TS.BS. Lê Thanh Hải
Ý kiến của bạn