Hà Nội

Mối liên quan giữa đái tháo đường và tăng huyết áp

02-02-2021 10:44 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Đái tháo đường và tăng huyết áp là 2 bệnh lý riêng lẻ, độc lập nhưng có mối liên quan mật thiết với nhau.

Khi mắc 1 trong 2 bệnh thì người bệnh lại có xu hướng mắc bệnh còn lại. 2 bệnh đều tiến triển âm thầm và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Vì sao người tăng huyết áp cần lưu ý đến bệnh đái tháo đường?

Đái tháo đường là bệnh lý rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, lượng đường glucose trong máu tăng khó kiểm soát. Nguyên nhân chính là tuyến tụy trong cơ thể tiết ra ít hoặc không tiết ra insulin hoặc tế bào trong cơ thể đề kháng insulin.

Do sự thiếu hụt insulin, cộng với tính kháng insulin, glucose sẽ quay lại trong máu chứ không được dẫn đi nuôi dưỡng tế bào. Glucose sẽ tích tụ lại trong thành mạch máu trong thời gian lâu dài, dần dần làm ảnh hưởng tới rất nhiều chức năng của các cơ quan khác trong cơ thể. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới biến chứng tiểu đường lên thận, thần kinh, xương khớp, tim mạch, tăng huyết áp...

Tăng huyết áp và đái tháo đường là 2 bệnh có mối liên quan với nhau.

Tăng huyết áp và đái tháo đường là 2 bệnh có mối liên quan với nhau.

Tăng huyết áp là bệnh lý mạn tính, xảy ra khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao. Bệnh tăng huyết áp gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho tim như suy tim, trụy tim, nhồi máu cơ tim, mạch vành tim, tai biến mạch máu não...

Theo Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), chỉ số huyết áp tốt cho cơ thể là thấp hơn 120/80mmHg. Tăng huyết áp là huyết áp lớn hơn 140/90mmHg.

Các loại tăng huyết áp: Tăng huyết áp vô căn (hay nguyên phát, bệnh tăng huyết áp): chiếm đến 90% bệnh nhân tăng huyết áp.

Tăng huyết áp thứ phát: liên quan đến các bệnh thận, động mạch, bệnh van tim và nội tiết.

Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Khi chỉ có huyết áp tâm thu tăng trong khi huyết áp tâm trương bình thường.

Tăng huyết áp khi mang thai: Bao gồm tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật, có kèm cảnh báo nguy cơ tim mạch trong giai đoạn mang thai.

Mức glucose huyết tăng cao được cho là nguyên nhân làm giảm dưỡng chất nitric oxide (NO) trong hệ động mạch, về lâu về dài sẽ gây xơ vữa thành động mạch và dẫn đến tăng huyết áp.

Các chuyên gia cho biết, tỷ lệ tăng huyết áp ở người đái tháo đường type 2 tăng 2,5 lần so với người không mắc bệnh này. Ngược lại, khoảng 50% số người đái tháo đường đồng thời bị tăng huyết áp (trong đó, 25% ở người trẻ và 75% người lớn tuổi). Nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch ở người đái tháo đường bị tăng huyết áp gấp đôi so với người đái tháo đường có chỉ số huyết áp bình thường. Và ngược lại đái tháo đường cũng làm cho tăng huyết áp trở nên khó điều trị hơn.

Tăng huyết áp khiến đường huyết tăng cao, làm bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng nhanh hơn và gia tăng tỷ lệ tử vong. Nguyên nhân do tăng huyết áp cản trở dòng máu được lưu thông tới thận (gây tác động tới đái tháo đường); gây biến chứng võng mạc, mù lòa, mắc bệnh ký ở thận. Bên cạnh đó, các loại thuốc điều trị tăng huyết áp như thuốc lợi tiểu (diuretics) có kèm tác dụng phụ là tăng mức glucose trong máu. Do đó, người bệnh đái tháo đường có kèm tăng huyết áp luôn được ưu tiên điều trị làm giảm huyết áp.

Thay đổi lối sống để kiểm soát tăng huyết áp và đái tháo đường

Phương pháp điều trị, kiểm soát tăng huyết áp và đái tháo đường (nhất là đái tháo đường type 2) có nhiều nét tương đồng, bổ trợ lẫn nhau. Vậy nên, người bị tăng huyết áp lẫn đái tháo đường không nên vội bi quan. Chỉ cần nghiêm túc tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ, bạn sẽ dễ dàng kiểm soát 2 bệnh này, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho chính bản thân mình.

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Điều quan trọng với người mắc 2 bệnh trên là trong chế độ ăn cần lưu ý một số điểm như: tăng khẩu phần rau củ quả trong bữa ăn hằng ngày, chọn các sản phẩm nguyên hạt, ít béo, hạn chế sử dụng muối và đường trong nấu nướng, tinh bột (carb) cũng sẽ chuyển hóa thành đường trong cơ thể, thế nên cần cân bằng lượng tinh bột giữa các bữa ăn.

Tích cực rèn luyện thể lực: Thường xuyên vận động thân thể và rèn luyện thể lực là lựa chọn hàng đầu cho bệnh nhân tăng huyết áp lẫn đái tháo đường vì vừa giảm lượng glucose huyết trong cơ thể, vừa cân bằng huyết áp trong giới hạn cho phép. Nên hướng đến các bài tập có cường độ trung bình như đi bộ nhanh, đạp xe, bơi lội,... trong 30-40 phút, 4-5 lần mỗi tuần. Nếu là người mới bắt đầu tập, đừng ngần ngại hỏi ý kiến bác sĩ để có thời khóa biểu tập luyện tối ưu nhất.

Dùng thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ: Bên cạnh phương pháp thay đổi lối sống, trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu dùng thêm thuốc điều trị. Nếu mắc cả 2 bệnh trên, nên đến bác sĩ để được tư vấn, chỉ định thuốc phù hợp nhằm đạt hiệu quả điều trị cao nhất. Khi có chỉ định, người bệnh cần uống thuốc đều đặn, thường xuyên hàng ngày, không được tự ý bỏ thuốc giữa chừng, khiến huyết áp và đường huyết tăng vọt sẽ rất nguy hiểm.


BS. Hữu Hạnh
Ý kiến của bạn