Mối liên quan bệnh hen suyễn và đái tháo đường

24-12-2020 15:41 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Đái tháo đường và hen phế quản là 2 bệnh gia tăng nhanh trong những năm gần đây. Nhiều người mắc đồng thời cả 2 bệnh, nhất là người cao tuổi. Việc kiểm soát tốt cả 2 bệnh để không ảnh hưởng tới nhau là điều mà bệnh nhân cần đặc biệt lưu ý.

Có tồn tại mối quan hệ giữa đái tháo đường và hen suyễn?

Hen suyễn là tình trạng viêm và co thắt đường thở do đáp ứng quá mức với các tác nhân bên ngoài hoặc bên trong cơ thể. Người mắc bệnh hen, đường thở bị thu hẹp lại và sưng lên, có thể tiết ra nhiều chất nhầy. Điều này làm cho bạn cảm thấy khó thở và kích thích cơn ho xuất hiện. Bạn thường nghe thấy âm thanh như tiếng huýt sáo khi thở ra và thở nông. Bệnh biểu hiện bởi các cơn ho, khó thở và nặng ngực, xen kẽ các giai đoạn thở bình thường hoặc khó thở liên tục kéo dài nếu bệnh không được kiểm soát tốt.

Không tự ý dùng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ, do có thể khởi phát cơn hen.

Không tự ý dùng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ, do có thể khởi phát cơn hen.

Đái tháo đường là tình trạng đường máu cao do cơ thể thiếu hormon insulin hoặc đề kháng với insulin. Đái tháo đường là bệnh lý mạn tính dẫn tới các biến chứng nhiều cơ quan như: tim mạch, thần kinh, tâm thần, thận - tiết niệu, tăng tỷ lệ tử vong nếu không kiểm soát đường huyết ổn định.

Dù cơ chế chưa được rõ, nhưng những bệnh nhân đái tháo đường (đặc biệt những bệnh nhân kiểm soát đường huyết kém) có nguy cơ mắc hen cao hơn người khỏe mạnh. Những bệnh nhân mắc cả 2 bệnh lý này có xu hướng kiểm soát đường huyết và kiểm soát cơn hen khó hơn trường hợp chỉ mắc 1 trong 2 bệnh đó. Ngược lại cũng có những nghiên cứu chỉ ra những người mắc hen suyễn cần được chú ý hơn khi nguy cơ mắc đái tháo đường của họ cũng cao hơn người bình thường.

Có mối liên quan nữa giữa 2 bệnh này là béo phì là nguy cơ chính của đái tháo đường, nhưng cũng liên quan đến gia tăng nguy cơ mắc hen suyễn. Những bệnh nhân hen suyễn kèm thừa cân có nhiều cơn hen kịch phát hơn, chất lượng cuộc sống kém hơn và đáp ứng với thuốc điều trị hen cũng kém hơn.

Mối liên quan đặc biệt cần lưu ý đó là bệnh nhân hen điều trị  bằng steroid lại là trở ngại lớn cho bệnh đái tháo đường. Các thuốc steroid được chỉ định ở bệnh nhân hen nhằm giảm tình trạng viêm và phù nề đường hô hấp, có vai trò trong ngăn ngừa cơn hen xuất hiện và điều trị cơn hen kịch phát. Tuy nhiên, thuốc steroid lại có tác dụng phụ làm tăng sự đề kháng insulin, tăng đường máu, khó kiểm soát cân nặng. Ở những bệnh nhân dùng steroid dạng hít ( như fluticasone, budesonide) là những thuốc sẽ tác động tại chỗ (đường hô hấp) thường không gây ảnh hưởng toàn thân, vì vậy sẽ không gây tăng đường huyết nếu được sử dụng đúng theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi được chỉ định đúng đường dùng, liều và thời gian sử dụng, steroid giúp kiểm soát cơn hen tốt mà không gây tăng đường huyết hay mất kiểm soát bệnh đái tháo đường.

Với trường hợp bệnh nhân hen nặng, tình trạng khó thở xuất hiện thường xuyên và kéo dài hơn. Để kiểm soát cơn hen cấp, giúp bệnh nhân tránh khỏi tình trạng nguy kịch, đe dọa đến tính mạng, có thể bác sĩ kê đơn cho người bệnh dùng steroid đường uống hoặc tiêm (như prednisolone, methylprenisolon). Thời gian dùng đường uống thường là những đợt ngắn ngày và đường huyết cũng sẽ được theo dõi sát nếu bạn có nguy cơ mắc đái tháo đường. Nếu bệnh nhân hen dùng thuốc steroid không đúng chỉ định của bác sĩ, dùng kéo dài, liều cao, sẽ dẫn đến tăng đường huyết, mất kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường, gia tăng nguy cơ gặp biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, người bệnh hen cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ.

Lời khuyên của thầy thuốc

Vậy cần làm gì để bệnh nhân mắc hen suyễn và đái tháo đường đồng thời cùng “chung sống hòa bình”? Điều đầu tiên là kiểm soát tốt 1 trong 2 bệnh trên sẽ giúp cải thiện và không làm nặng lên tình trạng bệnh còn lại. Ngoài ra nên thực hiện các biện pháp như:

Thay đổi lối sống: giảm cân, cai thuốc lá, chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, hạn chế đường, dầu mỡ và giàu chất xơ, vitamin. Tập thể dục điều độ, vừa sức. Stress gây mất kiểm soát đường huyết và có thể làm khởi phát cơn hen, nên hãy học cách kiểm soát tốt stress.

Giữ môi  trường sống trong sạch: loại bỏ hoặc giảm tối đa các yếu tố gây kịch phát cơn hen phế quản như: dị nguyên (bụi nhà, phấn hoa, thức ăn).

Khám bệnh định kỳ để kiểm soát bệnh hiệu quả hơn.


BS. Ngọc Mai
Ý kiến của bạn