Tiến sĩ Alan Moss, bác sĩ chuyên khoa dạ dày-ruột tại Trung tâm bệnh tiêu hóa thuộc BIDMC và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Các nghiên cứu trước đây ở bệnh nhân bị bệnh Crohn và viêm loét đại tràng đã liên kết giữa nồng độ vitamin D thấp và các đợt bùng phát bệnh. Tuy nhiên, còn chưa rõ liệu các đợt bùng phát làm giảm nồng độ vitamin D hay nồng độ vitamin D thấp gây ra các đợt bùng phát. Chúng tôi cho rằng, nếu xem xét nồng độ vitamin D khi bệnh thuyên giảm sau đó theo dõi bệnh nhân, thì tác động của nồng độ vitamin D ban đầu đối với trường hợp xảy ra trong tương lai có thể rõ ràng hơn”.
Nồng độ vitamin D được thu thập từ 70 bệnh nhân bị viêm loét đại tràng khi bệnh thuyên giảm, bệnh nhân được theo dõi sau khi soi đại tràng. Nhóm nghiên cứu đã đo nồng độ vitamin D trong các mẫu máu và đánh giá mức độ viêm thông qua xét nghiệm máu và sinh thiết. Họ theo dõi những bệnh nhân này trong 12 tháng và so sánh nồng độ vitamin D ở bệnh nhân vẫn thuyên giảm bệnh với những bệnh nhân tái phát bệnh và phát hiện thấy rằng, trung vị nồng độ vitamin lúc đầu thấp hơn ở những bệnh nhân tái phát so với những người không bị tát phát.
“Bệnh nhân có nồng độ vitamin D cao hơn khi bệnh thuyên giảm ít khả năng bị tái phát bệnh trong tương lai. Điều này cho thấy, nồng độ vitamin D cao hơn có thể đóng một vai trò nào đó trong phòng ngừa tái phát viêm loét đại tràng”, bác sĩ John Gubatan thuộc BIDMC cho biết.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Clinical Gastroenterology and Hepatology.