Thuốc giảm axit, đặc biệt là thuốc ức chế bơm proton (PPI) và thuốc đối kháng thụ thể histamine-2 (thuốc chẹn H2), thường được kê đơn để điều trị trào ngược dạ dày và bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) ở trẻ sơ sinh.
PPI bao gồm các loại thuốc như lansoprazole và omeprazole và thuốc chẹn H2 phổ biến là cimetidine. Bằng chứng về hiệu quả của thuốc giảm axit ở trẻ sơ sinh còn hạn chế và các hướng dẫn thực hành lâm sàng khuyến nghị sử dụng thuốc trong thời gian không quá 4 đến 8 tuần và chỉ khi các chỉ định khác không thành công.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy, việc tiếp xúc với thuốc giảm axit trong tử cung có liên quan đến việc tăng nguy cơ tái phát khò khè và hen suyễn ở thời thơ ấu. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa biết nếu tiếp xúc với những loại thuốc này ở trẻ sơ sinh sẽ gây ra nguy cơ tương tự?
Để có thêm hiểu biết, các nhà khoa học đã tiến hành một nghiên cứu quan sát theo chiều dọc về những trẻ sơ sinh có nguy cơ bị thở khò khè hoặc hen suyễn tái phát do tiền sử viêm tiểu phế quản nặng. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dị ứng và Miễn dịch Lâm sàng.
Kết quả chính bao gồm: Thở khò khè tái phát khi 3 tuổi, hen suyễn khi 6 tuổi và nhạy cảm với chất gây dị ứng được đo bằng immunoglobulin E (IgE) trong huyết thanh. TS. Lacey B. Robinson, thuộc Khoa Thấp khớp học, Dị ứng và Miễn dịch học tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Boston, và các đồng nghiệp của cô phát hiện ra rằng tỷ lệ trẻ em tiếp xúc với thuốc giảm axit trong thời kỳ sơ sinh phát triển bệnh hen suyễn khi 6 tuổi cao hơn so với những trẻ không sử dụng (34% so với 26%).
Tương tự, nhiều trẻ em tiếp xúc với các thuốc làm giảm axit phát triển chứng khò khè tái phát vào 3 tuổi so với những trẻ không tiếp xúc (43% so với 29%).
Nghiên cứu không tìm thấy sự khác biệt đáng kể về nguy cơ mẫn cảm với chất gây dị ứng giữa hai nhóm.
Vì vậy, nghiên cứu lưu ý, cần cân nhắc lợi ích và nguy cơ tiềm ẩn khi xem xét điều trị ở nhóm đối tượng này. Theo hướng dẫn về nhi khoa, các bác sĩ cũng nên thận trọng khi kê đơn thuốc ức chế axit cho trẻ trong thời kỳ sơ sinh.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Phương pháp loại bỏ căng thẳng trước khi ngủ