Mối liên hệ giữa béo phì và ung thư nội mạc tử cung

28-04-2022 17:34 | Quốc tế
google news

SKĐS - Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) công nhận 13 bệnh ung thư có liên quan đến béo phì và cho biết một số trường hợp là có khả năng ngăn ngừa được.

Ung thư nội mạc tử cung là loại ung thư phổ biến nhất ảnh hưởng đến đường sinh sản của phụ nữ ở các nước có thu nhập cao. Tại Vương quốc Anh, cứ 36 phụ nữ thì có một người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư nội mạc tử cung.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ có chỉ số BMI cao có nhiều nguy cơ phát triển ung thư nội mạc tử cung hơn.

BMI được tính bằng cách sử dụng chiều cao và cân nặng của một người và được sử dụng để xác định xem trọng lượng của một người có nằm trong phạm vi khỏe mạnh hay không.

Chỉ số BMI 20-25 được coi là 'khỏe mạnh', BMI trên 25 được coi là thừa cân, trên 30 được coi là béo phì và trên 40 được coi là béo phì nghiêm trọng.

BMI vốn được coi là một thước đo gián tiếp của mô mỡ, tuy nhiên, không thực sự chính xác ở một số cá nhân, do đó vẫn còn gây tranh cãi.

Tiến sĩ Sarah Gray, một bác sĩ đa khoa chuyên về sức khỏe phụ nữ cho biết trước đây, khả năng mắc ung thư tử cung ở phụ nữ trong độ tuổi dưới 45 thực sự rất xa vời. Thế nhưng, ngày nay, khi tỷ lệ béo phì tăng lên trong dân số, điều này đã thay đổi.

Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí chuyên ngành BMC Medicine đã định lượng sự gia tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung ở phụ nữ có chỉ số BMI cao và đề xuất một cơ chế cho mối liên hệ.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Bristol (Anh) đã tiến hành phân tích các mẫu di truyền và thông tin sức khỏe lấy từ Hiệp hội Ung thư Nội mạc Tử cung, Hiệp hội Dịch tễ học về Ung thư Nội mạc Tử cung và Ngân hàng Biobank của Vương quốc Anh.

Cụ thể, trong số 121.885 phụ nữ phần lớn là người gốc Châu Âu (từ Australia, Bỉ, Đức, Ba Lan, Thụy Điển, Anh và Hoa Kỳ) được đưa vào nghiên cứu này, 12.906 phụ nữ trong số này bị ung thư nội mạc tử cung.

Mối liên hệ giữa béo phì và ung thư nội mạc tử cung - Ảnh 1.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ có chỉ số BMI cao có nhiều nguy cơ phát triển ung thư nội mạc tử cung hơn.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cứ tăng 5 điểm BMI có liên quan đến việc tăng 88% nguy cơ phát triển ung thư nội mạc tử cung. Họ cũng phát hiện ra rằng tăng testosterone, tăng insulin lúc đói và giảm globulin liên kết hormone giới tính có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển ung thư nội mạc tử cung.

Phân tích sâu hơn của các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy bằng chứng cho thấy BMI có ảnh hưởng đến insulin lúc đói, globulin liên kết hormone giới tính, testosterone khả dụng sinh học và protein phản ứng C marker gây viêm.

Các tác giả đưa ra giả thuyết rằng BMI tăng cho thấy mô mỡ tăng, dẫn đến tăng insulin lúc đói và giảm globulin liên kết với hormone sinh dục. Điều này dẫn đến tăng testosterone sinh khả dụng. Testosterone này sau đó có thể được chuyển đổi thành estrogen, cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.

BMI ảnh hưởng như thế nào đến nội tiết tố, nguy cơ ung thư?

Tiến sĩ Alpa Patel - Phó phụ trách lĩnh vực khoa học dân số tại Hiệp hội Ung thư Mỹ cũng đề cập đến việc thời kỳ mãn kinh và những thay đổi nội tiết tố có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư như thế nào.

"Sau khi mãn kinh, trong chính các tế bào mỡ, có sự chuyển đổi từ androgen (chẳng hạn như testosterone) thành estrogen thông qua một loại enzyme gọi là aromatase. Và điều đó làm tăng sự chuyển đổi thành các loại estrogen khác nhau và estradiol, làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung vì đây là bệnh ung thư liên quan đến hormone ở phụ nữ " – Tiến sĩ Patel giải thích.

Theo chuyên gia này, có mối liên hệ trực tiếp giữa trọng lượng cơ thể dư thừa sau khi mãn kinh, do sự gia tăng chuyển đổi androgen thành estrogen, cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Và đây không phải là nội tiết tố androgen như testosterone đơn thuần. Đó là sự gia tăng chuyển đổi các chất này thành estrogen thông qua men aromatase sau khi mãn kinh.

Tiến sĩ James Yarmolinsky, tác giả chính của nghiên cứu từ Trường Đại học Y Bristol cho hay, các nhà nghiên cứu đang cố gắng tìm hiểu các cơ chế. Điều này mở ra khả năng nhắm mục tiêu vào các phân tử cụ thể có liên quan, chủ yếu là insulin và testosterone.

Hiện chưa thể nói nghiên cứu trên liệu có phải là một cách tiếp cận khả thi hay không nhưng nó là một bước đầu tiên đúng hướng. Phát hiện của nghiên cứu có thể khiến những phụ nữ có chỉ số BMI cao nhận thức rõ hơn về các triệu chứng của ung thư nội mạc tử cung để họ tìm kiếm sự trợ giúp y tế kịp thời.

"Những phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ béo phì cần theo dõi kinh nguyệt. Nếu chúng hỗn loạn, thất thường thì nên đi kiểm tra. Và việc kiểm tra khá đơn giản, chỉ là siêu âm và/ hoặc lấy mẫu" – Tiến sĩ Grey cho biết.

Hướng dẫn tự khám tầm soát ung thư vú


Hà Anh (Theo Medical News)
Ý kiến của bạn