Hà Nội

Mối liên hệ giữa bệnh viêm nha chu và các bệnh tim mạch

08-08-2020 19:30 | Y học 360
google news

SKĐS - Viêm nha chu và bệnh tim mạch là hai bệnh lý phổ biến trong dân số có mối quan hệ mật thiết với nhau.

Viêm nha chu và bệnh tim mạch

Viêm nha chu là một bệnh lý răng miệng phổ biến ảnh hưởng đến khoảng 20% dân số thế giới. Bệnh khởi phát do sự thay đổi cơ cấu vi sinh vật trong mảng bám răng tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh trong mảng bám và xâm nhập vào mô nha chu gây viêm.

Bệnh tim mạch là một nhóm những bệnh lý về tim và hệ mạch máu  thuộc nhóm gây tử vong nhiều trên thế giới với khoảng 17,5 triệu người chết mỗi năm (WHO-2012). Một số bệnh lý tim mạch phổ biến là: Tai biến mạch máu não, suy tim, nhồi máu cơ tim, huyết khối tĩnh mạch sâu…Trên thực tế, viêm nha chu và bệnh tim mạch có những mối liên hệ mật thiết với nhau như: Cả hai có cùng nhiều yếu tố nguy cơ, cũng như sự liên hệ của hai với quá trình hình thành phản ứng viêm của cơ thể...

Nhóm yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh với bệnh viêm nha chu và bệnh tim mạch

Bên cạnh các yếu tố nguy cơ riêng biệt của mỗi bệnh viêm nha chu và bệnh tim mạch, cả hai đều có những nhóm yếu tố nguy cơ chung như:

- Giới tính: Nam nhiều hơn nữ.

- Hút thuốc lá: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hút thuốc là làm tăng nguy cơ mắc viêm nha chu lên hơn 5 lần và tăng nguy cơ  mắc bệnh tim mạch .

- Tiểu đường không kiểm soát là con đường ngắn nhất dẫn đến các bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, huyết khối, tai biến mạch máu não, suy tim… Song song đó tiểu đường có mối quan hệ mật thiết hai chiều với viêm nha chu (Tham khảo Bệnh viêm nha chu ở người mắc bệnh đái tháo đường).

- Béo phì.

- Cao huyết áp không kiểm soát.

- Rối loạn lipid máu.

Mối liên hệ giữa bệnh viêm nha chu và một số bệnh tim mạch

Trong hàng chục năm qua, đã có nhiều nghiên cứu để làm rõ về mối liên hệ giữa viêm nha chu và bệnh tim mạch. Tuy vẫn còn nhiều tranh cãi nhưng mối liên hệ giữa hai căn bệnh phổ biến này có thể giải thích thông qua cơ chế kích hoạt phản ứng viêm của cơ thể.

- Phản ứng viêm trong cơ thể xảy ra khi các tế bào (ở đây là tế bào mô nha chu) bị tấn công bởi mầm bệnh và phá hủy sẽ kích thích phóng thích các protein phản ứng C (CRP) vào máu. CRP sẽ kích hoạt phản ứng gây viêm – nếu xảy ra trong thành mạch sẽ tạo điều kiện hình thành nên các mảng xơ vữa trong động mạch. Chính vì vậy, thông qua việc gia tăng nồng độ CRP - bệnh viêm nha chu làm tăng nguy cơ mắc các hội chứng tim mạch như tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim ở người.

- Bên cạnh đó khi các phản ứng viêm được kích hoạt sẽ dẫn đến sự phóng thích các chất trung gian hóa học như Cytokine, Interleukin và hoạt hóa các chuỗi phản ứng oxi hóa trong cơ thể. Điều này có thể dẫn đến sự tổn hại đến AND của tế bào làm chết tế bào, kích hoạt sự tái cấu trúc tế bào cơ tim, làm tăng tốc sự chết theo chu kỳ của các tế bào cơ tim… từ đó làm tăng nguy cơ mắc suy tim ở người bệnh.

Bệnh tim và viêm nhiễm mạn tính

- Bên cạnh việc kích hoạt chuỗi phản ứng viêm của cơ thể; vi khuẩn từ mảng bám có thể xâm nhập vào mạch máu từ mô nha chu bị viêm, từ đó tạo nên các ổ nhiễm trùng trong lòng mạch. Các ổ nhiễm trùng này có thể tạo thành các mảng xơ vữa hay nguy hiểm hơn gây viêm nội tâm mạc bán cấp.

=> Chính những điều trên đã thể hiện rằng: Viêm nha chu đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng nguy cơ mắc các hội chứng tim mạch cấp và mạn tính. Từ đó để phòng ngừa tốt các bệnh lý tim mạch bên cạnh việc thay đổi lối sống và kiểm soát các yếu tố nguy cơ thông thường như tiểu đường, cao huyết áp thì việc phòng ngừa và đẩy lùi bệnh viêm nha chu là cần thiết và không thể xem thường.

Đẩy lùi viêm nha chu

Mục tiêu của việc đẩy lùi viêm nha chu là làm sạch mảng bám và các túi nha chu xung quanh răng và ngăn chặn tổn thương cho xương ổ răng. Việc này phải đi kèm với việc thay đổi lối sống như bỏ thuốc lá, chải răng ngay sau khi ăn.

- Cạo vôi để loại bỏ cao răng và vi khuẩn khỏi bề mặt răng và bên dưới nướu.

- Bào láng gốc răng (Root planing) làm mịn bề mặt chân răng, ngăn chặn tích tụ cao răng và vi khuẩn.

- Tiến hành phẫu thuật khi bệnh viêm nha chu tiến triển nặng

- Xử lý nhiễm khuẩn: Kháng sinh thường được sử dụng là Spiramycin kết hợp với Metronidazole.

Phòng ngừa bệnh

- Vệ sinh răng miệng đúng cách.

- Chải răng đúng cách tránh gây tổn thương cho lợi, nướu. Chải răng đúng cách như sau:

Đặt bàn chải nghiêng một góc 45 độ với hàm, chải vòng tròn theo chiều dọc của răng, chải lần lượt theo từng nhóm gồm 2-3 chiếc răng, thực hiện liên tục đến khi đi hết bề ngoài của hàm.

Đưa bàn chải vào bề mặt bên trong của các răng, cách chải tương tự như mặt ngoài.

Đến vị trí các răng cửa phía trước, đặt bàn chải theo chiều dọc, ngửa đầu bàn chải và đưa vào mặt bên trong của hàm trên, thực hiện động tác lên – xuống để chải các răng cửa phía trên.

Thực hiện tương tự với các răng cửa phía dưới.

Đặt bề mặt lông bàn chải tiếp xúc với bề mặt nhai của các răng hai bên, chải từ trước ra sau.

Dùng lông bàn chải hoặc dụng cụ chải lưỡi để loại bỏ các mảng bám thức ăn trên bề mặt lưỡi.

Súc miệng lại bằng nước sạch 3 – 4 lần để đảm bảo làm trôi hết các vụn thức ăn, các mảng bám và kem đánh răng.

Thay bàn chải khi đầu lông bàn chải mòn và không còn thẳng

- Sử dụng nước súc miệng để đánh bay triệt để các mảng bám và giúp hơi thở thơm mát hơn.

- Khám răng định kỳ 06 tháng 1 lần.

PGS.TS Nguyễn Phú Thắng

Trưởng Bộ môn Phẫu thuật trong miệng,  Viện đào tạo Răng Hàm Mặt, Đại học Y Hà Nội


Ý kiến của bạn