Mối hiểm nguy từ kích điện đánh bắt cá trên sông Nhuệ

07-07-2012 20:06 | Xã hội
google news

Hiện nay, trên sông Nhuệ đoạn chảy qua huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam rất nhiều người sử dụng dụng cụ kích điện công suất lớn để đánh bắt cá, tôm và các loại thủy sản khác khiến nguồn lợi thủy sản tại đây đang bị tận diệt từng ngày và đe dọa nghiệm trọng tính mạng của nhiều người lao động trên khu vực sông…

(SKDS) -  Hiện nay, trên sông Nhuệ đoạn chảy qua huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam rất nhiều người sử dụng dụng cụ kích điện công suất lớn để đánh bắt cá, tôm và các loại thủy sản khác khiến nguồn lợi thủy sản tại đây đang bị tận diệt từng ngày và đe dọa nghiệm trọng tính mạng của nhiều người lao động trên khu vực sông…

Công khai hoạt động

Đang hái rau muống trên sông, chị Đặng Thị Lan (thôn Yên Lão, xã Hoàng Tây, Kim Bảng) bỗng hét lên rồi vội vã chạy lên bờ vì bị nhiễm điện. Từ xa, hai chiếc thuyền đánh cá bằng cách kích điện đang lừ đừ tiến đến, đàn cá quẫy lung tung thoát khỏi vùng điện nhưng rồi đuối sức nằm gọn trong vợt. Trên thuyền, hai chiếc xô to chất đầy cá với nhiều loại khác nhau như: rô, chuối, ngạnh, chày, lăng… nhưng hầu hết là những loài cá nhỏ. Tất cả đều là “nạn nhân” của vợt kích điện.

 Đánh bắt thủy sản bằng kích điện công khai trên sông Nhuệ ở Kim Bảng, Hà Nam.      Ảnh: Google

Pháp lệnh Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép và sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản ở tất cả các vùng nước. Sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản là hành động hủy diệt nguồn lợi, phá hủy sinh cảnh và gây ô nhiễm môi trường sống của các loài thủy sản, vi phạm nghiêm trọng pháp lệnh nói trên.   

Chị Lan cho biết: “Trên sông Nhuệ chảy qua xã Hoàng Tây này chỉ có vài kilômét nhưng có đến hơn chục thuyền đánh kích. Còn tính cả đoạn sông khu vực huyện Kim Bảng thì nhiều lắm, không nhớ hết. Thời gian đầu, để tránh bị “dòm ngó”, các thuyền đánh kích thường làm ăn vào ban đêm, mỗi đêm các thuyền này đi khắp nơi, lùng sục từng ngóc ngách sông. Nhưng từ khoảng hai năm trở lại đây, không thấy cơ quan chức năng để ý đến thì họ đánh kích công khai giữa ban ngày luôn”.

Theo người dân cho biết, loại kích điện mà các chủ thuyền hay dùng để đánh cá chủ yếu là các loại 75 – 150A (ampe) hiệu điện thế 120V, thậm chí 220V. Cài thêm đầu phóng có độ giật mạnh lên tới 250V. Khi kích, chúng giật xung quanh, lộn sâu xuống đáy 3,6 - 4m. Bất cứ con gì trong phạm vi điện đều chết và tê liệt hết, ngay cả rong rêu cũng rũ ngọn. Nguy hiểm nhất là tính mạng của nhiều người bị đe dọa.

Nguồn lợi thủy sản đang cạn kiệt

Qua tìm hiểu được biết, tình trạng dùng kích điện để đánh bắt cá tôm trên sông Nhuệ ở Kim Bảng đang gia tăng với những hoạt động ngày càng công khai của nhóm ngư dân cư trú trên địa bàn, bất chấp pháp luật và coi thường cả tính mạng.

Hằng ngày, họ sử dụng thuyền gỗ với các dụng cụ kích điện công suất cực lớn rà quét dọc theo sông Nhuệ dài cả chục km để khai thác cá tôm theo kiểu tận diệt và hủy diệt môi trường sinh thái.

Ông Lê Văn Thịnh, 51 tuổi, ở xã Hoàng Tây (Kim Bảng, Hà Nam), một trong những người tham gia đánh kích điện để bắt cá trên sông Nhuệ cho biết: “Hằng ngày, hai cha con tôi đi đánh kích từ 5 giờ sáng, phải đi sớm thì mới có cá, chứ đi muộn thuyền khác đánh kích trước rồi thì coi như hôm đó đói”.

“Trước kia, mỗi ngày hai cha con đánh kích được khoảng 7 - 8kg cá, có ngày trúng “mánh” thì được hàng yến. Đem bán cất cho tư thương ngoài chợ cũng được hai, ba trăm ngàn. Nhưng bây giờ nhiều người đánh kích quá, mỗi ngày cha con tôi chỉ đánh được khoảng 2 - 3kg cá thôi, chủ yếu là cá nhỏ, bán cũng chỉ được trên dưới trăm ngàn” - ông Thịnh cho biết thêm.

Hiện nay, sông Nhuệ đang bị xâm phạm nghiêm trọng. Chất thải sinh hoạt, hóa chất, rác… đang làm cho nước sông đổi màu, mùi hôi khó chịu; các loài thủy sinh không còn điều kiện tốt để sinh trưởng, phát triển. Thêm vào đó, dùng kích điện để tận diệt nốt những sinh vật còn sót lại, càng nhanh chóng đẩy dòng sông này thành dòng sông chết.

Đề nghị chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuần tra, có biện pháp chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và cố tình vi phạm, nhanh chóng chấm dứt tình trạng trên.  

Hồng Trần


Ý kiến của bạn