Hà Nội

Mỗi gia đình, cặp vợ chồng sinh đủ 2 con - Cuộc vận động ý nghĩa để duy trì vững chắc mức sinh thay thế

16-12-2022 12:25 | Xã hội

SKĐS - Sự chênh lệch mức sinh giữa các vùng, địa phương, sẽ tạo những hiệu ứng không tích cực ở cả hai trạng thái. Ở các vùng có mức sinh cao quy mô dấn số quá đông, còn ở vùng mức sinh thấp quy mô dân số giảm nhanh, giảm thấp.

Theo báo cáo của Tổng cục DS – KHHGĐ, Bộ Y tế hiện có tới 33 tỉnh/thành có mức sinh cao; 21 tỉnh/thành có mức sinh thấp và chỉ 9 tỉnh đạt "chuẩn" mức sinh thay thế. Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên là các vùng có mức sinh cao; cao hơn mức sinh thay thế. Hai vùng có mức sinh thấp và thấp hơn mức sinh thay thế là Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Do đó, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, địa phương còn góp phần giảm khoảng cách chênh lệch hoặc chí ít cũng làm chậm lại tốc độ gia tăng khoảng cách về thu nhập, mức sống giữa các vùng, các nhóm dân cư, giảm đói nghèo ở các khu vực khó khăn, nơi thường có mức sinh cao, đảm bảo có sự phát triển đồng đều giữa các vùng, các địa phương trong cả nước.

Trước yêu cầu đó, ngày 25/10/2017, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, trong đó có nội dung rất quan trọng đó là "Tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con. Tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp…"

Cùng với đó, tại Quyết định số 588/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030" có đề ra mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế (mỗi phụ nữ sinh 2,1 con) trên toàn quốc, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước. Đây cũng là một trong 8 mục tiêu quan trọng mà Chiến lược Dân số đến năm 2030 trước đó đã đề ra.

Một trong những nhiệm vụ và giải pháp được nêu tại Quyết định 588/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là "Cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phù hợp với đặc điểm mức sinh của các địa phương có mức sinh khác nhau".

Chúng ta thực hiện cuộc vận động "sinh đủ hai con" nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế để giúp tránh được những hiệu ứng tích cực.

Theo đó, đối với địa phương có mức sinh cao, tiếp tục áp dụng và nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích hiện hành như khuyến khích các cặp vợ chồng, gia đình, tập thể, cộng đồng không có người sinh con thứ ba trở lên; hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, bao gồm phương tiện tránh thai; bồi dưỡng, hỗ trợ người thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ, người vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

Mỗi gia đình, cặp vợ chồng sinh đủ 2 con - Cuộc vận động ý nghĩa để duy trì vững chắc mức sinh thay thế - Ảnh 1.

Tập huấn cho cộng tác viên, y tế thôn bản về công tác dân số trong tình hình mới tại huyện Hòa An, Cao Bằng (ảnh Tư Liệu)

Còn đối với địa phương đã đạt mức sinh thay thế và có mức sinh thấp, trước mắt cần rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con. Từng bước ban hành, thực hiện các chính sách khuyến khích sinh đủ hai con áp dụng cho các gia đình, cộng đồng.

Ở những địa phương đã có mức sinh dưới mức sinh thay thế, thí điểm, mở rộng thực hiện các chính sách hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh con, nuôi dạy con; đồng thời có chính sách khuyến khích không kết hôn muộn, sinh con muộn và sinh ít con.

Để hiện thực hóa các chủ trương chính sách này, một số địa phương đã ban hành một số chính sách đặc thù của địa phương, cụ thể như tại Hậu Giang có chính sách khuyến khích động viên đối với các địa phương (xã, ấp) duy trì mô hình sinh đủ hai con, hỗ trợ gia đình sinh đủ 2 con một bề là gái; tại Long An có chính sách miễn phí tại cơ sở y tế công lập cho đối tượng nam nữ thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước kết hôn, thai phụ được sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh;...

Chia sẻ về vấn đề này, theo Bà Đặng Quỳnh Thư, Vụ trưởng Vụ Quy mô Dân số - KHHGĐ, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế, trên phạm vi toàn quốc, Việt Nam đã đạt và duy trì mức sinh thay thế trong 14 năm qua; tuy nhiên, hiện nay các tỉnh thuộc khu vực phía Nam xuất hiện xu hướng giảm sinh, mức sinh xuống dưới mức sinh thay thế, đa số các tỉnh này là những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển; trong khi đó, những tỉnh mức sinh cao, phần lớn là những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, tập trung ở khu vực phía Bắc và Tây Nguyên.

Cũng theo bà Thư, với 33 tỉnh mức sinh cao, nếu mức sinh tiếp tục duy trì ở mức cao, quy mô dân số các địa phương này tiếp tục tăng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, y tế, giáo dục,.. làm tăng khoảng cách phát triển và chất lượng cuộc sống của nhân dân của các địa phương này so với các khu vực khác.

Trong khi đó 21 tỉnh mức sinh thấp, nếu mức sinh tiếp tục giảm và kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như suy giảm quy mô dân số; thiếu hụt lực lượng lao động; đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số đồng thời gia tăng các dòng di cư dẫn đến phát sinh hàng loạt các vấn đề về an sinh xã hội, an ninh trật tự, quốc phòng.

Vì vậy, thực hiện cuộc vận động "sinh đủ hai con" nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế và giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, địa phương, sẽ giúp tránh được những hiệu ứng không tích cực của cả hai trạng thái: quy mô dân số quá đông, mật độ dân số quá cao do mức sinh tăng trở lại hoặc quy mô dân số giảm sớm, giảm nhanh nếu mức sinh giảm xuống dưới mức thay thế thì rất khó đưa mức sinh tăng trở lại, dù có đầu tư lớn cho chính sách khuyến sinh.

Toạ đàm trực tuyến: Tầm quan trọng của chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp Toạ đàm trực tuyến: Tầm quan trọng của chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp

SKĐS - Mức sinh không đồng đều giữa các vùng, miền, tỉnh/thành đang là thách thức lớn của công tác dân số ở nước ta hiện nay. Điều này đòi hỏi phải có sự điều chỉnh phù hợp theo đặc điểm từng địa phương, vùng miền.


Thiên Đức
Ý kiến của bạn