Hà Nội

Mối duyên Việt - Ấn mãi bền lâu

15-08-2011 21:29 | Quốc tế
google news

Nhân kỷ niệm 64 năm Ngày Quốc khánh Ấn Độ (15/8/1947- 15/8/2011), Tổng biên tập báo Sức khỏe&Đời sống Trần Sĩ Tuấn đã tới thăm, chúc mừng Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam ngài Ranjit Rae.

Nhân kỷ niệm 64 năm Ngày Quốc khánh Ấn Độ (15/8/1947- 15/8/2011), Tổng biên tập báo Sức khỏe&Đời sống Trần Sĩ Tuấn đã tới thăm, chúc mừng Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam ngài Ranjit Rae. Có lẽ mối duyên Việt - Ấn đã ăn sâu vào tâm khảm, máu thịt nhân dân hai nước nên cuộc trò chuyện giữa một nhà thơ Việt Nam và nhà ngoại giao Ấn Độ cứ ấm nồng thi vị, quên cả thời gian.

Thân mật như “người một nhà”, ngài đại sứ say sưa nói về quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã có từ ngàn năm nay qua các mối quan hệ giao thương và giao lưu văn hóa giữa người Việt và người Ấn. Quan hệ giữa hai dân tộc đã được hai vị lãnh đạo tiền bối kiệt xuất là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng J. Nehru tạo dựng nền móng sau khi hai nước giành được độc lập (Việt Nam năm 1945 và Ấn Độ năm 1947), các thế hệ lãnh đạo kế tiếp và nhân dân hai nước dày công vun đắp. Hai nước hết lòng ủng hộ và giúp đỡ nhau trong công cuộc kháng chiến giành độc lập trước đây cũng như trong sự nghiệp tái thiết đất nước, đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội ngày nay. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói về mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ nhân chuyến thăm Ấn Độ của Người vào năm 1980 là “một mối quan hệ trong sáng như bầu trời không một gợn mây”. Câu nói này vẫn giữ nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay.

 Ngài Ranjit Rae - Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam trao tặng Tổng biên tập báo Sức khỏe&Đời sống Trần Sĩ Tuấn một số cuốn sách về Ấn Độ.

Với tình cảm đặc biệt dành riêng cho Ấn Độ, nhà thơ Trần Sĩ Tuấn tâm sự về chuyến thăm đầy kỷ niệm khó quên tới đất nước được ví như “vườn hoa văn hóa” của thế giới. Về dòng sông Hằng linh thiêng huyền bí, nơi người ta ao ước được một lần trong đời đằm mình ngắm bình minh trên sông. Có lẽ chẳng nơi nào trên trái đất lại đem đến cho con người sự trải nghiệm về sự pha trộn thú vị của nhiều nền văn hóa, tôn giáo, chủng tộc… như đất nước này. Như một học giả đã viết rằng, chính ống kính vạn hoa của sắc màu, mùi vị, hình ảnh âm thanh nơi đây đã khiến Ấn Độ trở thành một trải nghiệm không thể bỏ qua. Đúng là không thể bỏ qua Ấn Độ, đất nước của tình yêu, của thi ca hiển hiện lừng lững trong Taj Mahal, ngôi đền được xây dựng hoàn toàn bằng đá cẩm thạch, một trong bảy kỳ quan thế giới. Nhưng một điều khiến Taj Mahal trở nên thi vị, đó là câu chuyện tình yêu bấ t diệt của đức vua Shah Jahan dành cho hoàng hậu của ngài là Mahal Mumtalz. Câu chuyện giữa Tổng biên tập Trần Sĩ Tuấn và Đại sứ Ranjit Rae cứ thế xoay vần. Nhường vào nghi lễ xã giao thường thấy là một không khí ấm cúng, gần gũi. Vốn ngưỡng mộ đại thi hào Tagore, nhà thơ Trần Sĩ Tuấn ngẫu hứng đọc hai câu thơ nổi tiếng của ngài trong tập Thơ Dâng, tập thơ đưa Tagore trở thành người châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học năm 1913.

“Cái cây tìm sự cô đơn trên cao
Ngọn cỏ tìm niềm vui dưới đất”.
 
 Tổng biên tập báo Sức khỏe&Đời sống Trần Sĩ Tuấn chúc mừng ngài Ranjit Rae - Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam nhân ngày Quốc khánh Ấn Độ.
Ảnh: Trần Minh.
Trong suốt cuộc đời đầy biến cố kéo dài 8 thập kỷ (từ năm 1861 - 1941) của mình, Tagore đã được cả thế giới tôn vinh là một nhà viết kịch, nhà thơ, nhạc sĩ, tiểu thuyết gia, nhà giáo dục,triết gia và nhà nhân văn học kiệt xuất. Ở ông kết tinh sự hội tụ nền văn hóa sông Hằng rực rỡ. Ngài đại sứ kể, vốn là một “nhà thơ lữ hành”, dấu chân của Tagore in hình khắp các nẻo đường Á - Âu. Ngày 21/4/1929, từ chiếc tàu Angers, thi hào Tagore đã đến Sài Gòn. Ông được nhân dân lao động và trí thức Việt Nam chào đón nồng nhiệt. Tagore rất thích quốc phục triều Nguyễn nên đã may một bộ. Tìm thấy sự đồng cảm trong tình yêu, sự hiểu biết về quê hương mình của Tổng biên tập Trần Sĩ Tuấn, ngài đại sứ lại càng bất ngờ khi biết nhà thơ Trần Sĩ Tuấn vốn là một bác sĩ cấp cứu, một công việc đòi hỏi sự chính xác, cụ thể, khác hẳn với tâm hồn thi sĩ thường phiêu lãng lênh đênh. Quây quần trong buổi trò chuyện, chúng tôi, những người Việt cứ thấy ấm dần lên trong lòng tình cảm tha thiết với đất nước con người Ấn Độ, một người bạn gần gũi cả về địa lý lẫn trái tim như lời ngài Đại sứ Ranjit Rae từng nói.
 
Tình hữu nghị Việt - Ấn sẽ còn tiếp tục được vun đắp, sẽ tiếp tục đơm hoa kết trái không chỉ bởi công sức thế hệ lãnh đạo hai nước mà còn bởi những tâm hồn nhân văn của nhân dân Việt Nam - Ấn Độ, bởi những tấm lòng như nhà thơ Trần Sĩ Tuấn và vị đại sứ nhân hậu Ranjit Rae.
Yến Châu

Ý kiến của bạn