Mối đe doạ lớn từ tích luỹ năng lượng dư thừa

15-07-2024 12:24 | Dinh dưỡng
google news

Sự kết hợp của chế độ ăn uống thiếu lành mạnh và lối sống ít vận động đã khiến năng lượng dư thừa ở mỗi người tăng nhanh, kéo theo là tỷ lệ thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm cũng ở mức báo động. Điều đáng nói là, việc này không chỉ ở các nước phát triển, mà còn ở các nước thu nhập thấp.

Khẩu phần ăn của người Việt nói chung chưa cân bằng

Cuộc sống bận rộn cũng khiến thói quen dinh dưỡng của con người thay đổi, từ các món ăn chủ yếu làm từ thực vật và giàu chất xơ như gạo, rau, củ, quả sang chế độ ăn uống giàu calo, nhiều tinh bột mịn, đường, chất béo, muối, thực phẩm chế biến sẵn, thịt và các sản phẩm nguồn gốc động vật khác.

Đặc biệt ở khu vực thành thị, một số người ít có thời gian nấu ăn, thường xuyên ăn ở nhà hàng, cửa hàng bán đồ ăn nhanh, đồ ăn đường phố hay phụ thuộc vào siêu thị mà không biết có rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn nguy hại cho sức khoẻ nếu có một chế độ dinh dưỡng không phù hợp.

Cảnh báo về điều này, PGS.TS.BS Vũ Thị Thanh Huyền, Trưởng Khoa Nội tiết Cơ xương khớp – Bệnh viện Lão Khoa TW, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Lão Khoa – Trường ĐH Y Hà Nội cho biết: "Ngày trước, nền tảng sống của gia đình thường có thói quen tự nấu đồ ăn cho cả gia đình và trải qua các bữa cơm cùng nhau. Tuy nhiên cuộc sống bận rộn khiến ta ít có thời gian, và thói quen đặt món, gọi đồ ăn sẵn trở thành xu thế. Vì tính thuận tiện, nhanh chóng của nó được nhiều người ưa chuộng. Thực ra, order đồ ăn cũng có "ưu điểm" riêng của nó, nó làm kích thích vị giác và cảm giác thèm ăn, gây cho chúng ta xu hướng luôn hướng tới đồ ăn đặt sẵn".

photo-1658997210864

Thói quen ăn uống dẫn đến nguy cơ dư thừa năng lượng.

Trong khi đó, các đồ ăn lành mạnh bao giờ cũng ít các mùi vị hơn, nhạt hơn, không quá nhiều tinh bột, không quá nhiều vị ngọt. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần suy nghĩ tới vấn đề tích luỹ quá nhiều năng lượng dư thừa, đặc biệt, tỉ lệ tích luỹ năng lượng dư thừa lại tăng theo độ tuổi. Điều đó cũng có nghĩa là nếu chúng ta không thay đổi, càng lớn tuổi, nguy cơ đối diện với các bệnh lý mạn tính không lây nhiễm nguy hiểm như thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hoá lipid, các nguy cơ bệnh lý tim mạch,… - PGS Thanh Huyền nhấn mạnh.

Nhận định về khẩu phần ăn chung của người Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Tổng năng lượng khẩu phần ăn so với trước kia không tăng nhiều nhưng chúng ta thấy rằng, xu thế người Việt Nam tiêu thụ thịt quá nhiều, trong khi trong thịt là có chất béo bão hoà, cholesterol và năng lượng nhiều hơn... Ăn thừa đạm cũng gây dư cân, chức năng gan, thận phải làm việc nhiều để đào thải.

"Đa số người dân chưa ăn đủ rau xanh, quả chín để đáp ứng đủ nhu cầu khuyến nghị, chất xơ trong khẩu phần ăn cũng không đủ yêu cầu và đặc biệt là khẩu phần ăn của người Việt Nam thiếu các vi chất dinh dưỡng, ví dụ như canxi, sắt, kẽm, B6, axit folic, các yếu tố chống oxy hóa cũng bị thiếu…" - PGS. Lâm cho hay.

Những rủi ro sức khỏe do béo phì gây ra

Béo phì không đơn giản là ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà nó còn gây rất nhiều rủi ro về sức khỏe.

photo-1658997217013

Ngày càng có nhiều người đối mặt với thừa cân, béo phì và dư thừa năng lượng.

Béo phì liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa và bệnh tim mạch. Các bệnh tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, hẹp tắc động mạch chi… đều có mối liên quan mật thiết với béo phì.

Nghiên cứu cho thấy, người béo phì thường mắc chứng ngừng thở khi ngủ và làm tăng nguy cơ diễn biến nặng ở bệnh nhân hen phế quản, COPD. Béo phì còn gây ảnh hưởng không nhỏ tới hệ xương khớp, đặc biệt là viêm khớp.

Tình trạng kém dung nạp glucose, kháng insulin, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, tăng acid uric… cũng rất hay gặp ở bệnh nhân béo phì.

Những người béo phì thường mặc cảm, tự ti về hình thể. Những vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần khiến họ dễ rơi vào tình trạng stress kéo dài dẫn đến trầm cảm…

Một số phương pháp khoa học giúp kiểm soát năng lượng dư thừa

- Ăn đủ chất, không bỏ bữa: Đói và thiếu các chất dinh dưỡng quan trọng là nguyên nhân khiến chúng ta luôn cảm thấy thèm ăn. Do vậy, ăn đủ chất và ăn đúng bữa sẽ giúp cơ thể bạn nhận được các chất dinh dưỡng cần thiết và sẽ không cảm thấy đói ngay sau khi ăn.

Chế độ ăn uống cần đảm bảo đầy đủ, cân đối, đa dạng các nhóm thực phẩm như:

•Tinh bột (chủ yếu từ các loại ngũ cốc)

•Chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...)

•Chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật)

•Vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả tươi...)

- Tăng cường ăn rau và trái cây tươi: Rau xanh và trái cây là một phần rất quan trọng của một chế độ ăn uống lành mạnh vì chúng là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào, giàu vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Đặc biệt là chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa nguy cơ bệnh tật.

Ăn nhiều trái cây và rau quả có thể giúp bạn duy trì cân nặng hợp lý vì chúng có ít calo và chất béo tự nhiên.Bạn nên chọn một số loại trái cây và rau quả sau trong chế độ ăn uống như:

• Các loại rau có màu xanh đậm: rau bina, bông cải xanh, cải xoăn…

• Rau quả có màu đỏ và cam: ớt, khoai tây, bí, cà rốt, cà chua…

• Các loại đậu: đậu Hà Lan, đậu lăng, đậu xanh, đậu đen…

• Các loại trái cây như: táo, kiwi, chuối, dưa, đu đủ, thanh long, cam, quýt, việt quất, dâu tây…

- Chọn đồ ăn vặt lành mạnh: Cảm giác thèm ăn là một trong những lý do lớn nhất khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc giảm cân và duy trì nó. Để tránh quá đói, bạn nên ăn đủ bữa và chuẩn bị sẵn những món ăn vặt lành mạnh. Đồ ăn vặt lành mạnh có thể ngăn chặn cơn đói và giúp bạn đạt được mục tiêu về chất dinh dưỡng mà không tăng cân.

Các loại đồ ăn vặt có nhiều loại nhưng chủ yếu là đồ ăn chế biến sẵn có chứa nhiều đường, chất béo, gia vị mặn như: bánh ngọt, kẹo, kem, nước ngọt có gas, trà sữa, gà rán, xúc xích, thịt nướng, khoai tây chiên...

Phần lớn chúng chứa nhiều calo, nhiều đường, muối, chất béo không lành mạnh, thiếu vitamin và khoáng chất. Nếu ăn nhiều dễ gây tăng cân, béo phì và nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Vì vậy, để vượt qua cơn đói, trong các bữa ăn nhẹ bạn nên ăn thực phẩm giàu protein và chất xơ vì chúng làm giảm cảm giác đói và giúp bạn no lâu hơn.

Mối đe doạ lớn từ tích luỹ năng lượng dư thừa- Ảnh 3.

Nói "không" với đồ ăn vặt không lành mạnh.

- Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ: Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ trong các bữa ăn sẽ giúp bạn no lâu, giảm cơn đói và hạn chế phải ăn thêm các bữa phụ hoặc các thức ăn vặt khác. Nên tăng cường ăn thêm rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu để tăng cường protein và chất xơ. Đối với trái cây, nên ăn cả xác thay vì ép lấy nước, đậu đỗ nên ăn cả vỏ… để tận dụng chất xơ tự nhiên.

Mối đe doạ lớn từ tích luỹ năng lượng dư thừa- Ảnh 4.
Mối đe doạ lớn từ tích luỹ năng lượng dư thừa- Ảnh 5.

PV


Ý kiến của bạn