Hà Nội

Mối đe dọa của SARS-CoV-2 với cơ thể

22-04-2020 15:16 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Với COVID-19, phổi được xem là bộ phận chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất. Tuy nhiên, mới đây, các bác sĩ đã báo cáo nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 cũng bị tổn thương tim...

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí JAMA Cardiology mới đây với các bệnh nhân mắc COVID-19 ở Vũ Hán, Trung Quốc cho thấy, cứ 5 bệnh nhân mắc COVID-19 thì có 1 bệnh nhân bị tổn thương tim. Các bác sĩ tim mạch lý giải rằng: Trái tim là bộ phận dùng để bơm máu khắp cơ thể, trong trường hợp không có đủ oxy, virus có thể xâm nhập trực tiếp vào tế bào tim. Hoặc giả thiết khác cho rằng khi hệ miễn dịch của cơ thể nỗ lực tiêu diệt virus, có thể đã huy động số lượng rất lớn các tế bào miễn dịch tấn công loại virus này và trong quá trình đó cũng tấn công cả bộ phận tim của cơ thể.

TS. Mohammad Madjid - Đại  học Texas, Mỹ cho biết, SARS-CoV-2 không phải loại virus duy nhất ảnh hưởng đến tim. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2018 trên Tạp chí Y học New England cũng đã cho thấy, nguy cơ phát triển các cơn đau tim tăng gấp 6 lần ở những bệnh nhân bị nhiễm virus cúm. Kết quả của nghiên cứu đã cung cấp thông tin cho thấy trong hầu hết các bệnh dịch cúm, nhiều bệnh nhân tử vong vì biến chứng bệnh tim hơn là viêm phổi. Nhiễm virus có thể làm gián đoạn lưu lượng máu đến tim, gây ra nhịp tim không đều và dẫn đến suy tim. SARS-CoV-2 có nguy cơ dẫn đến tổn thương tim lớn hơn so với những người bị nhiễm các loại virus khác là điều có thể lý giải được.

TS. Erin Michos - Phó Giám đốc Khoa Tim mạch dự phòng, Trường Y Johns Hopkins cho biết:  “Tổn thương tim không điển hình ở các trường hợp COVID-19 nhẹ và có xu hướng xảy ra ở những bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nặng phải nhập viện. Mặc dù SARS-CoV-2 chủ yếu ảnh hưởng đến phổi, nhưng nó cũng lưu hành trong máu và điều đó có nghĩa là virus có thể xâm nhập trực tiếp và tấn công các cơ quan khác bao gồm cả tim”.

COVID-19 có thể ảnh hưởng tới tim.

COVID-19 có thể ảnh hưởng tới tim.

Enzym ACE2 - con dao hai lưỡi

Cả tế bào tim và tế bào phổi đều được bao phủ các protein bề mặt được gọi là enzyme chuyển đổi angiotensin 2 (ACE2). Những phân tử này đóng vai trò “cánh cửa” khi virus xâm nhập tế bào. Nhưng enzym này cũng là “con dao hai lưỡi” vì một mặt phân tử ACE2 có chức năng bảo vệ tim, phổi, mặt khác, nó lại hoạt động như một cửa ngõ để cho virus xâm nhập tế bào và sao chép.

Khi các mô trong cơ thể bị tổn thương - do một loại virus xâm nhập như SARS-CoV-2 hoặc virus khác - hệ miễn dịch sẽ phản ứng, cơ thể tiết ra chất cytokine để ức chế virus. Tuy nhiên, một số người tiết ra quá nhiều cytokine gây ảnh hưởng đến phủ tạng. Hiện tượng này y học gọi là hội chứng giải phóng cytokine hay cơn bão cytokine. Thống kê cho thấy khoảng 15% số người mắc bệnh truyền nhiễm, hệ thống miễn dịch vẫn làm việc ngay cả sau khi virus không còn hoạt động nữa. Nó tiếp tục giải phóng cytokine khiến cơ thể mệt mỏi. Các phân tử này tấn công nhiều cơ quan, bộ phận trong cơ thể, cuối cùng có thể dẫn đến tử vong. Ở những bệnh nhân này, chính hệ miễn dịch chứ không phải virus là tác nhân gây tổn hại cho cơ thể. Vì vậy, COVID-19 có thể “làm trầm trọng thêm” bệnh tim tiềm ẩn.

Những quan ngại

Các bác sĩ tim mạch xác định tổn thương tim bằng cách sử  dụng xét nghiệm máu cho một loại protein gọi là troponin vì các tế bào tim bị tổn thương, chúng rò rỉ troponin vào máu. Trong trường hợp nếu virus xâm nhập trực tiếp vào tim, bệnh nhân có thể cần dùng thuốc kháng virus nhưng nếu hệ thống miễn dịch gây tổn thương tim, bệnh nhân có thể cần dùng thuốc ức chế miễn dịch. Hiện tại, chưa có biện pháp điều trị trực tiếp nhắm vào COVID-19 và hầu hết các phương pháp điều trị đang được sử dụng đều liên quan đến chăm sóc hỗ trợ...

Hơn nữa, những người bị huyết áp cao hoặc các bệnh tim tiềm ẩn khác thường dùng thuốc ức chế men chuyển hoặc thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARBs) - thuốc làm giãn mạch máu do đó làm tăng lượng máu bơm vào tim và hạ huyết áp. Các bác sĩ tim mạch đang tranh luận sôi nổi về việc bệnh nhân nên ngừng hoặc bắt đầu sử dụng các loại thuốc đó khi họ có nguy cơ cao mắc COVID-19. Một nghiên cứu trước đây cho rằng các loại thuốc này có thể gây hại, trong khi một số thử nghiệm lâm sàng đánh giá việc sử dụng ARB có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng của COVID-19.

Các chuyên gia từ Úc và New Zealand cho biết, họ cũng khuyến cáo bệnh nhân bị tăng huyết áp, suy tim và bệnh tim mạch nên sử dụng các loại thuốc này. Vấn đề phức tạp ở chỗ, một số loại thuốc hiện được lựa chọn để điều trị COVID-19, bao gồm hydroxychloroquine (được FDA phê chuẩn) có thể gây tổn thương tim. Do đó, mục tiêu cấp thiết lúc này cho các nhà nghiên cứu là tìm ra loại thuốc nào hoạt động tốt nhất để bảo vệ tim khỏi tổn thương bởi COVID-19.


M.Huệ
Ý kiến của bạn