“Mỗi cuốn sách với tôi là một cuộc hò hẹn”

24-11-2016 18:15 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Eric-Emmanuel Schmitt là tác giả tiêu biểu của nền văn học đương đại Pháp. Tác phẩm của ông đã được dịch ra gần 40 thứ tiếng.

Năm 2004, tạp chí văn học uy tín của Pháp Lire tiến hành thăm dò dư luận về “các tác phẩm văn học đã làm thay đổi cuộc đời bạn’’. Ðộc giả đã bình bầu Oscar và bà áo hồng. Ðó là một ngoại lệ dành cho một tác giả đang còn sống. Cho tới hiện giờ, 5 tác phẩm của ông đã được xuất bản bằng tiếng Việt. Ông từng được nhận 27 giải thưởng, trong đó có giải Goncourt và hiện đang là thành viên Ban giám khảo giải thưởng văn học danh giá nhất của Pháp này.

Trong tháng 11 năm nay, Eric-Emmanuel Schmitt đã tới Việt Nam, giao lưu với độc giả Việt tại Trung tâm Văn hóa Pháp và ký tặng sách bạn đọc Nhã Nam - công ty sách đã nhiệt tâm giới thiệu những tác phẩm của ông tại Việt Nam. Chuyến đi ngắn ngủi nhưng để lại trong ông những ấn tượng sâu sắc. Hà Nội cho ông cảm giác di chuyển trong không gian có nhiều tầng nấc. Ông đã ví Hà Nội với bề dày lịch sử mà bản thân ông cảm nhận hoàn toàn bằng trực cảm như một cuốn sách hơn 100 trang, trong so sánh với Hồng Kông - nơi ông cũng vừa đi qua - một cuốn sách... 2 trang. Trên trang facebook cá nhân, ông đã viết về Hà Nội như thế này: Tôi rời Việt Nam tối nay để bay về châu Âu, nhưng tôi e rằng mình đã trót yêu nơi này... Yêu Thủ đô Hà Nội, nơi khiến tôi thấy vừa thân quen vừa lạ lẫm, Hà Nội với những con phố mang trong mình câu chuyện lịch sử, Hà Nội ngập tràn màu sắc, Hà Nội nơi có những con người tràn đầy năng lượng và lòng tôn trọng, sống động và tĩnh lặng, Hà Nội hài hước, Hà Nội nơi có những chú chim hót ngay từ sáng sớm, là những tiếng còi xe lảnh lót không ngừng nghỉ. Tôi đã thực sự xúc động khi khám phá rằng mình có rất nhiều độc giả ở đây nhờ những dịch giả tuyệt vời... Tôi kết thúc chuyến đi này bằng hai giờ đồng hồ ký tặng, hai giờ biến tôi trở thành chuyên gia về những cái tên Việt Nam. Hẹn sớm gặp lại, Hà Nội.

Nhà văn Eric-Emmanuel Schmitt

Nhà văn Eric-Emmanuel Schmitt  (bên phải) tại cuộc giao lưu ở Trung tâm Văn hóa Pháp.

Những người tham gia trực tiếp cuộc giao lưu với Eric-Emmanuel Schmitt hẳn là ấn tượng với những câu trả lời tỏa ra năng lượng, nhiệt huyết của một cây bút yêu văn chương, yêu tha thiết đời sống, tri thức rộng lớn, văn minh. Thâm trầm, sâu sắc và hài hước, đó chính là Eric. Chẳng hạn như, ở cuối buổi giao lưu khi phát hiện chiếc ghế mình đang ngồi có vẻ lung lay, ông đã đứng dậy nói: “Các bạn làm công tác tổ chức, tôi muốn lưu ý các bạn rằng chúng ta cần có sự chuẩn bị cho những vị khách Sumo tới thăm”. Khán giả cười rộ và liên tưởng tới tác phẩm Chàng Sumo không thể béo của ông.

Ông đã là một tiến sĩ triết học có nhiều người ngưỡng mộ. Vì sao ông lại bỏ nghề giảng viên đại học?

Tôi viết cuốn truyện đầu tiên năm 11 tuổi, vở kịch đầu tiên năm 16 tuổi. Tuy nhiên, khi trẻ tôi nghĩ nghề viết không kiếm sống được. Vả lại, tôi là tiến sĩ triết học thì bố mẹ hài lòng hơn (cười). Tuy nhiên, tôi đã dần thay đổi suy nghĩ đó. Viết văn, đó là món quà cuộc đời trao tặng cho tôi. Đó không phải là một nghề mà là số phận, định mệnh, không nên trở thành nô lệ của danh phận, tiền bạc. Bây giờ thì tôi biết dù không nổi tiếng, không kiếm được 1 xu thì tôi vẫn viết. Tuy nhiên, tôi không thể trở thành nhà văn như hiện nay nếu chưa từng học triết. Vì vậy, tôi rời giảng đường nhưng không bỏ triết học. Triết học giống như bộ xương sống sắp xếp lại các cảm xúc và từ đó tác phẩm ra đời. Hàng ngày mỗi người đều đặt ra những câu hỏi triết học mà không tự biết. Bởi vì chúng ta luôn đi tìm câu trả lời cho thế giới hiện hữu xung quanh. Chả hạn như Ta đã yêu chưa/ Yêu như thế nào /Về cái chết... Những nội dung triết học sẽ rất tuyệt nếu có sự chắp cánh của ngôn ngữ văn chương. Như khi tôi viết truyện Ibrahim và những bông hoa của kinh Coral, nói về tình thân của một cậu bé Do Thái với một người bán hàng cũng dân Do Thái. Đó là câu chuyện về lòng khoan dung. Nếu viết một bài triết về vấn đề đó thì không tác động mạnh đến người khác thế được.

Cảm hứng quan trọng như thế nào với ông khi sáng tác?

Mỗi cuốn sách với tôi là một cuộc hò hẹn. Tim đập mạnh, miên man trong suy nghĩ, để đến đích là viết.  Khi đã cảm nhận đầy đủ về nhân vật thì tôi  rời khỏi thế giới tưởng tượng và viết. Lúc đó tôi cảm thấy mình ở một tầng ý thức khác. Tôi đang đi qua hành lang của sự nhập tâm. Tôi cảm giác mình như người phục vụ, tuân theo mệnh lệnh của nhân vật. Tôi không gọi đó là sáng tạo mà là quá trình nhập tâm. Tôi thường viết miên man trong nhiều ngày không có khái niệm thời gian, từ sáng đến tối, chỉ kéo rèm khi trời tối.

Ông nghĩ gì về quyền năng của văn học, quyền lực của các nhà văn?

Tôi hay viết về các tôn giáo, muốn bạn đọc hiểu sâu hơn bản chất của các tôn giáo. Chẳng hạn như, người ta đang nhầm lẫn giữa Hồi giáo và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Phải nhìn nhận Hồi giáo là di sản lớn. Tôi có cái nhìn cởi mở về Hồi giáo. Nhà văn đoạt giải Nobel của Ai Cập 96 tuổi tôi đã gặp, bảo rất thích cuốn Ibrahim... Ông ấy không viết được nữa vì đã bị một người Hồi giáo cực đoan đâm vào tay. Có người lại hỏi tôi có theo đạo Hồi không mà viết gần gũi thế, tôi muốn nói là không cứ là người da đen mới chống lại việc phân biệt chủng tộc. Hoặc trong một tiểu thuyết giả tưởng lịch sử tôi “cho” Hitle trúng tuyển Học viện Mỹ thuật Áo. Thử hình dung thế kỷ 21 Hitle sống trong một thế giới khác không có Chiến tranh Thế giới thứ hai, đi sâu vào phân tích tâm lý của Hitle. Những giấc mơ trong tác phẩm có thực tế mà tôi đã trải qua. Văn học tạo hành lang kết nối giữa thực tế và thế giới giả tưởng như vậy đấy. Hoặc giả Oscar và bà áo hồng là cái nhìn nhân văn hơn về bệnh viện. Qua tác phẩm của tôi, người ta nghiên cứu hiện tượng biếng ăn sau khi có người thân qua đời. Nhiều cha mẹ mất, con viết thư cho tôi nói rằng họ được an ủi sau khi đọc cuốn sách này. Hạnh phúc của nhà văn là đấy. Quyền năng cũng là đấy.Những cuốn sách của nhà văn Eric-Emmanuel SchmittNhững cuốn sách của nhà văn Eric-Emmanuel Schmitt

Những cuốn sách của nhà văn Eric-Emmanuel Schmitt đã được xuất bản ở Việt Nam.

Ông nghiên cứu nhiều về tôn giáo, vai trò của tôn giáo trong sự ổn định/ mất ổn định của thế giới. Điều gì đã đẩy ông đến gần với thế giới tâm linh như vậy?

Bố mẹ tôi là người vô thần. Người  hướng dẫn tôi thành tiến sĩ triết học cũng vô thần. Nhưng tôi đã thay đổi sau lần bị lạc trong sa mạc Sahara. Khi bước vào tôi là người vô thần, đi ra đã thành người có đức tin. Tôi dự cảm mình bị lạc và quả thật đã lạc đường. Tôi cảm giác mình lăn như viên bi. Không mang ba lô theo, chỉ mặc áo phông quần soóc, nhiệt độ buổi tối dưới 0oC. Trong tôi chỉ lởn vởn một câu: 3 ngày có thể chết khát. Đêm đó, tôi ẩn mình sau phiến đá, vùi trong cát còn hơi ấm ban ngày. Tôi đã nghĩ mình sẽ có một đêm khủng khiếp. Nhưng nó lại thật tuyệt vời. Trải nghiệm này tôi vẫn giữ cho riêng mình. Tôi cảm giác có phản ứng hóa học xảy ra trong mình. Khi trở về, tôi đã đọc các bài thơ hay của các tôn giáo, trân trọng tâm điểm huyền bí của tôn giáo. Sách của tôi là những chuyến du hành vào tôn giáo bằng các cánh cửa nhỏ. Tôi muốn mọi người trân quý các tôn giáo như là di sản văn hóa nhân loại. Thông qua tác phẩm, tôi muốn người ta hiểu sâu về thế giới tâm linh của một tôn giáo.

Vậy còn tình yêu, ông nghĩ gì về tình yêu?

Tình yêu mà không ham mê tình dục thì thực sự là chúng ta đang cản trở tình yêu.

Ông có trả lời được câu hỏi vì sao giải thưởng Goncourt danh giá đến thế?

Trước hết giải Goncourt có yếu tố thời gian, đã hơn 100 năm. Có sự hợp tác hiệu quả giữa nhà văn - ban giám khảo và giới báo chí. Lễ trao giải diễn ra hoành tráng chả khác nào Liên hoan phim Canes. Hàng trăm nhà báo đến tham dự. Khán giả có người còn trèo cả lên cửa. Nữ nhà văn được giải năm nay được bao vây chả khác nào một ngôi sao màn bạc.

Thế còn Bob Dylan, ông có thể cho biết ý kiến riêng xung quanh giải Nobel văn học gây nhiều tranh cãi này?

Người ta hoàn toàn có thể đọc những bài thơ của ông ấy mà không cần nghe nhạc. Ở Pháp bây giờ, thơ không còn phổ biến. Giải Goncourt cũng vắng bóng các nhà thơ. Nhưng nhân dân vẫn ngưỡng mộ thơ và các nhà thơ. Âm nhạc đã trở thành công cụ bổ trợ để chuyển tải thơ. Tranh cãi xung quanh các giải Nobel hay Goncourt đều nhiều nhưng đó là chuyện bình thường của mọi tấm huân chương.


Võ Hồng Thu
Ý kiến của bạn