Giải pháp chưa có tiền lệ
Phát biểu tại hội trường tại Kỳ họp thứ nhất – Quốc hội khóa XV ngày 25/7, Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Lê Thành Long cho biết, trong thời gian qua khi đại dịch COVID xuất hiện thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hiến định và luật định đã thực hiện các giải pháp cấp bách, cần thiết để phòng, chống dịch, đã đạt kết quả tốt được thế giới và trong nước đánh giá cao.
Chính vì vậy, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, thành công của công cuộc chống dịch COVID-19 gồm 3 yếu tố gồm: Yếu tố thứ nhất là dịch còn ít, ở quy mô nhỏ và virus giai đoạn đầu lây chậm hơn; Yếu tố thứ hai hết sức quan trọng là chúng ta có một hệ thống chính trị vững mạnh, tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương, dưới sự lãnh đạo của Đảng; Yếu tố thứ ba là nhân dân đồng thuận, chia sẻ, ủng hộ và tuyệt đối tuân thủ các chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong công cuộc này.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm.
Theo Bộ trưởng, đến bây giờ hai yếu tố sau vẫn còn và tiếp tục củng cố, nhưng yếu tố thứ nhất đã có sự thay đổi: “Tình hình phức tạp, dịch bệnh lan nhanh, số người mắc COVID tăng và số bệnh nhân bị tử vong cũng tăng. Như vậy, cùng với 2 yếu tố quan trọng còn nguyên giá trị như vậy, chúng ta phải có những thay đổi nhất định để đáp ứng, đặc biệt là yếu tố thứ nhất. Chính vì vậy, cho nên Chính phủ mới trình Quốc hội xem xét thông qua một nội dung về nghị quyết để đưa vào nghị quyết chung của Quốc hội với các nội dung như Bộ trưởng Bộ Y tế đã trình bày và đây là một giải pháp chưa có tiền lệ”.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh: “Chúng tôi rà soát thì các biện pháp và các quy định để phòng, chống dịch bệnh nói chung về cơ bản đã có trong hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là ở trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp, một số các quy định khác có liên quan trong lĩnh vực an ninh trật tự, phòng, chống thảm họa, thiên tai, v.v.. Tuy nhiên, cần một hành vi pháp lý ở mức cao hơn của Quốc hội là tiếp tục cho phép áp dụng các biện pháp này như trong trường hợp chúng ta đã ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh”.
Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, chìa khóa để kiểm soát việc thực hiện Nghị quyết và việc Quốc hội giao và ủy quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kiểm soát bằng mức nào. Vấn đề này, theo Bộ trưởng Lê Thành Long có các ý gồm: Thứ nhất, phạm vi hẹp chỉ áp dụng trực tiếp trong phòng và chống COVID, trong đó bao gồm một số biện pháp hành chính, kiểm soát dịch bệnh, các vấn đề liên quan đến mua và sản xuất vắc xin, an sinh xã hội, một số vấn đề về tài chính, ngân sách và mua bán trang thiết bị, vật tư y tế; Thứ hai, áp dụng trong một thời gian ngắn, nhất định, dự kiến chỉ đến ngày 31/12/2022 và có cơ chế giám sát trực tiếp của UBTVQH của các ĐBQH và nhân dân.
Tuyệt đối không chủ quan, lơ là
Cũng phát biểu tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù chúng ta gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 với những biến chủng mới, nhưng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua được khó khăn, thách thức, tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống của nhân dân.
Qua đó Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra 4 bài học, trong đó có nội dung tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong phòng, chống dịch COVID-19. Quyết tâm phải lớn nỗ lực phải cao, hành động quyết liệt, hiệu quả, khẩn trương nắm chắc tình hình thực tế, lấy phương châm hành động thần tốc hiệu quả để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện. Đẩy nhanh việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 và coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu và có tính chất quyết định để ổn định hướng phát triển kinh tế đất nước và hoàn thành được nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2021.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, điều quan trọng nhất trong 6 tháng cuối năm đó là kiểm soát và đẩy lùi được dịch bệnh COVID-19, nhất là ở các khu vực động lực, thành phố lớn, khu công nghiệp. Đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, cũng là điều kiện cần, quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện các giải pháp cần được phân cấp mạnh mẽ, tạo sự chủ động, linh hoạt, điều chỉnh trọng tâm hợp lý giữa các mục tiêu kiểm soát dịch với tăng trưởng kinh tế, gắn liền với bối cảnh và tình hình cụ thể của mỗi địa phương, tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, phấn đấu đạt kết quả cao nhất, không đánh đổi sức khỏe và sự an toàn của người dân đối với tăng trưởng bằng mọi giá.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận.
Kết luận tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu, qua các ý kiến các vị ĐBQH thảo luận tại hội trường cho thấy Quốc hội và cá nhân mỗi ĐBQH luôn sẵn sàng đồng hành cùng với cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương, với Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Các đại biểu cơ bản tán thành với nội dung và đề xuất một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để đưa vào Nghị quyết kỳ họp của Quốc hội, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới.