Hà Nội

Mới: Bộ Y tế cắt giảm 1.376 điều kiện đầu tư, kinh doanh, hàng hoá kiểm tra chuyên ngành lĩnh vực y tế

28-05-2019 10:10 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bộ Y tế quyết định cắt giảm 1.376 điều kiện đầu tư, kinh doanh, hàng hoá kiểm tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực quản lý. Cụ thể, trước cắt giảm, đơn giản hóa là 1.996 điều kiện; sau cắt giảm, đơn giản hóa còn 620 điều kiện.

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 1899/QĐ-BYT về việc công bố Danh mục điều kiện đầu tư kinh doanh và Danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Y tế.

Theo đó, tại quyết định này, Bộ Y tế quyết định cắt giảm 1.376 điều kiện đầu tư, kinh doanh, hàng hoá kiểm tra chuyên ngành. Cụ thể, trước cắt giảm, đơn giản hóa là 1.996 điều kiện; sau cắt giảm, đơn giản hóa còn 620 điều kiện.

Các điều kiện đầu tư kinh doanh được chia thành những lĩnh vực cụ thể như sau: An toàn thực phẩm; Dược phẩm; Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; Khám chữa bệnh; Mỹ phẩm; Phòng chống bệnh truyền nhiễm; Phòng chống HIV/AIDS; Sức khỏe sinh sản; Trang thiết bị y tế.

Đối với thực phẩm thuộc Bộ Y tế quản lý có 5 nhóm mặt hàng: Nước uống đóng chai; Nước khoáng thiên nhiên; Thực phẩm chức năng (Thực phẩm bổ sung, Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Thực phẩm dinh dưỡng Y học); Phụ gia thực phẩm (bao gồm hương liệu thực phẩm)/chất hỗ trợ chế biến; Dụng cụ vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm.

Quyết định của Bộ Y tế cho biết phương án cắt giảm các  mặt hàng trên căn cứ theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP

Tại quyết định ký ban hành ngày 20/5/2019 của Bộ Y tế cho biết khoảng 98% các lô hàng thực phẩm nhập khẩu sẽ không phải kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu

Khoảng 98% các lô hàng thực phẩm nhập khẩu của Bộ Y tế sẽ không phải kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu

Theo quyết định của Bộ Y tế, cắt giảm theo mặt hàng đó là, 100% các mặt hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học nhập khẩu đã đăng ký bản công bố sản phẩm được miễn kiểm tra nhà nước.

Cắt giảm theo lô hàng nhập khẩu (đối với 4 nhóm sản phẩm còn lại). Theo đó, tất cả các lô hàng nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra nhà nước đều không phải lấy mẫu kiểm nghiệm trước khi nhập khẩu trừ trường hợp có cảnh báo mất an toàn thực phẩm theo thống kê hàng năm, số lượng lô hàng cảnh báo phải lấy mẫu kiểm nghiệm ≤ 2%. Như vậy, tối thiểu 98% lô hàng không phải lấy mẫu kiểm nghiệm.

Các lô hàng phải kiểm tra được cắt giảm căn cứ như sau: Dựa vào lịch sử lô hàng (3 lô hàng liên tiếp đạt yêu cầu nhập khẩu sẽ được áp dụng kiểm tra giảm); Đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến tại nước xuất khẩu thì được áp dụng kiểm tra giảm.

Với các lô hàng thuộc đối tượng này chỉ áp dụng kiểm tra hồ sơ tối đa 5% các lô hàng nhập khẩu. Như vậy, tối thiểu 95% lô hàng không phải qua kiểm tra chuyên ngành trước khi nhập khẩu.

Như vậy, với phương thức cắt giảm mặt hàng, lô hàng và tỷ lệ kiểm tra chặt như trên, khoảng 98% lô hàng thực phẩm nhập khẩu thuộc đối tượng quản lý của Bộ Y tế không phải kiểm tra trước khi nhập khẩu mà thực hiện hậu kiểm sau khi nhập khẩu và lưu thông trên thị trường.

Các mặt hàng khác gồm: Thuốc, nguyên liệu làm thuốc (bao gồm cả dược liệu); Bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc; Mỹ phẩm; Trang thiết bị y tế; Chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế; Phương tiện tránh thai và thiết bị y học cổ truyền trước cắt giảm, đơn giản hoá là 9 điều kiện, thủ tục thì hiện nay các mặt hàng này không còn thủ tục nào.


Thái Bình
Ý kiến của bạn