Béo phì ngày càng trẻ hoá, nhiều người có kèm tiểu đường, huyết áp...
Từ sáng sớm, chị L.H.V, ở Phú Thọ đã cùng con trai xuống Hà Nội để được khám và tư vấn miễn phí bệnh lý thừa cân, béo phì cùng các chuyên gia hàng đầu của Bệnh viện Việt Đức. Mới 8 tuổi, cậu bé N.T.A con chị V. đã nặng tới 58kg khiến cậu vận động, sinh hoạt khó khăn. Mẹ cậu cho biết cậu ăn uống không kiểm soát, đặc biệt thích đồ ăn sẵn, nước uống công nghiệp có ga và không chịu vận động, suốt ngày chơi máy tính, xem ti vi…
Cùng với con chị V., trong ngày 29/10 đã có hơn 100 trường hợp ở các lứa tuổi khác nhau đến thăm khám bệnh lý, thừa cân béo phì tại Bệnh viện Việt Đức.
Các bác sĩ chỉ định thực hiện các xét nghiệm, siêu âm ổ bụng miễn phí, được tư vấn các phương pháp điều trị hiệu quả cũng như chế độ dinh dưỡng, thẩm mỹ để duy trì thể trạng ổn định, giúp người bệnh lựa chọn cho mình phương pháp giảm béo hiệu quả nhất.
Qua thăm khám và các chỉ định cận lâm sàng, các bác sĩ Bệnh viện Viêt Đức cho hay, đa phần những trường hợp đến thăm khám đều thừa cân, có nhiều người nặng 80-90 kg, thậm chí gần 100kg trong khi chiều cao lại khá khiêm tốn, chỉ số IBM cao... Nhiều người trong số này có các bệnh lý đi kèm như tăng huyết áp, tiểu đường...
Trần Thị D, 29 tuổi, cao 1m48, nặng 70kg và chỉ số BMI cao gần 40. Chưa có gia đình, nên D. rất mặc cảm về thân hình của mình. Cô cho biết bị mất ngủ, rối loạn mỡ máu, rối loạn kinh nguyệt… Nghe bạn bè giới thiệu, cô mua thuốc giảm cân trên mạng, nhưng chẳng có tác dụng gì mà còn tốn tiền. D. cũng tập luyện nhưng không giảm được bao nhiêu.
Áp dụng đủ biện pháp không ăn thua, nay nghe tin các bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức khám miễn phí, cô đã tìm đến với mong muốn có một giải pháp khoa học và an toàn...
Béo phì thủ phạm của hơn 200 căn bệnh
Chia sẻ với báo chí bên lề buổi khám và tư vấn miễn phí căn bệnh béo phì, GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, thừa cân, béo phì không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, hoạt động, sinh hoạt, tâm lý mà còn phải coi đó là bệnh lý và cần được khám và điều trị tại các chuyên khoa về tiêu hóa và béo phì.
Có rất nhiều phương pháp được áp dụng trong việc điều trị béo phì như các biện pháp thay đổi lối sống, tăng cường vận động thể lực, điều trị nội khoa, phẫu thuật. Phẫu thuật điều trị béo phì là một trong những phương pháp chữa bệnh chủ động và bền vững có tác dụng làm giảm cân nặng, điều trị các bệnh phối hợp với béo phì rất hiệu quả.
Bệnh viện Việt Đức là cơ sở đầu tiên trong cả nước thực hiện phẫu thuật điều trị béo phì từ năm 2005. Hai phương pháp điều trị đang được sử dụng ở Bệnh viện Việt Đức là phẫu thuật nội soi đặt vòng thắt dạ dày và phẫu thuật nội soi cắt dạ dày hình ống.
Việc phẫu thuật bằng phương pháp nội soi nên vết mổ nhỏ, không chảy máu, tránh được nguy cơ nhiễm trùng và tỉ lệ tai biến thấp dưới mức cho phép.
Đến nay, bệnh viện đã phẫu thuật hơn 200 ca béo phì. Qua theo dõi các trường hợp phẫu thuật béo phì tại bệnh viện cho thấy cân nặng trung bình của mỗi người sau phẫu thuật một năm giảm khoảng 35 kg.
Tuy nhiên theo TS.BS Bùi Thanh Phúc - Phó Trưởng khoa Cấp cứu Tiêu hóa, không phải bệnh nhân béo phì nào cũng cần phẫu thuật điều trị. Dựa trên tình trạng của từng bệnh nhân, các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị mang tính cá thể hóa: Tập luyện kết hợp với điều trị nội khoa, điều trị tâm lý, cùng với chế độ ăn do bác sĩ chỉ định...
Theo Bộ Y tế, béo phì gây ra các vấn đề trầm trọng đến sức khỏe, là thủ phạm gây hơn 200 bệnh khác nhau, như bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, thoái hóa khớp, gan nhiễm mỡ và nhiều bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa... Tình trạng tự chữa béo phì không có hiệu quả, nhiều biến cố nặng và tốn kém.
Bộ Y tế nhấn mạnh béo phì là một bệnh mạn tính. Người bệnh cần được theo dõi và tái khám thường xuyên để ngăn ngừa tăng cân trở lại, và để theo dõi nguy cơ bệnh tật cũng như điều trị các bệnh đồng mắc nếu xuất hiện (ví dụ: đái tháo đường type 2, bệnh tim mạch).
Nghiên cứu được công bố vào năm 2018 về bệnh không lây nhiễm, ăn uống và dinh dưỡng ở Việt Nam cho thấy tần suất thừa cân, béo phì trên người lớn ở Việt Nam là 15%, tỷ lệ ở thành thị gấp gần 2 lần so với nông thôn (22,1% so với 11,2%).