Mới 30 tuổi bị trật khớp vai 5 lần trong một năm và căn bệnh thường gặp không thể chủ quan

Ths.Bs Phan Bá Hải

Ths.Bs Phan Bá Hải

14-06-2022 16:51 | Y tế

SKĐS - Trật khớp vai tái diễn là bệnh thường gặp nhất là ở những người trẻ tuổi hay chơi thể thao. Khoa Phẫu thuật chi trên và Y học thể thao đã tiếp nhận bệnh nhân mới 30 tuổi nhưng bị trật khớp vai 5 lần trong 1 năm.

Trật khớp vai tái diễn là tình trạng trật tái đi tái lại một phần hoặc toàn bộ chỏm xương cánh tay khỏi ổ chảo xương vai. Trật khớp vai chiếm 45 - 50% tổng số trật khớp của cơ thể người.

Gần đây, Khoa Phẫu thuật chi trên và Y học thể thao, BV Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận một  bệnh nhân nữ 30 tuổi ở Hà Nội bị trật khớp vai tái diễn. Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết, cách đây 2 năm chị chơi bóng chuyền bị ngã đập vai xuống nền sân bóng. Sau tai nạn bệnh nhân đã đi khám và chẩn đoán trật khớp vai ra trước. Bệnh nhân  được điều trị gây mê và nắn trật khớp vai. 

Từ đó đến nay, mặc dù đã trở lại sinh hoạt tương đối bình thường nhưng chị lại bị trật khớp vai tái đi tái lại nhiều lần (5 lần/1 năm), gây ảnh hưởng phần nào đến chất lượng cuộc sống và khiến chị không thể chơi thể thao lại được. 

Bệnh nhân cho biết, chỉ cần một động tác sai tư thế là có thể khiến khớp vai trật lại. Chị đã đến khám tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và được chẩn đoán mắc bệnh trật khớp vai tái diễn. Các bác sĩ đã chỉ định mổ nội soi, với 2 cổng vào kích thước 2-3mm, thương tổn của bệnh nhân đã được giải quyết triệt để. Hiện tại chị đã hồi phục hoàn toàn và có thể chơi thể thao trở lại.

Trong bệnh trật khớp vai tái diễn, một khi người bệnh bị mất vững khớp vai nếu không được điều trị đúng mức sẽ ảnh hưởng đến khả năng tập luyện thể thao, lao động và sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân.

Mới 30 tuổi bị trật khớp vai 5 lần trong một năm và căn bệnh thường gặp không thể chủ quan - Ảnh 1.

Khám cho bệnh nhân bị trật khớp vai.

Hiện nay, nhờ sự phát triển của y học, có rất nhiều phương pháp điều trị trật khớp vai tái diễn như: bảo tồn hoặc phẫu thuật (mổ mở, nội soi...). Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của phẫu thuật nội soi, phẫu thuật nội soi khớp vai nói chung và phẫu thuật nội soi điều trị trật khớp vai tái diễn nói riêng đang ngày được áp dụng rộng rãi.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây trật khớp vai tái diễn

Trật khớp vai tái diễn là bệnh rất thường  gặp, nhất là trong chấn thương thể thao do lực chấn thương trực tiếp từ phía sau trong khi tay ở tư thế dạng xoay ngoài, hoặc do tai nạn sinh hoạt hay tai nạn giao thông khiến người bệnh bị trật khớp vai.

Triệu chứng trật khớp vai

Trật khớp vai tái diễn có biểu hiện mất vững khớp vai. Người bệnh thường đến viện với các triệu chứng chủ yếu là đau, lỏng khớp vai, khớp trật tái đi tái lại gây ảnh hưởng sinh hoạt và công việc.

Biến chứng bệnh trật khớp vai

Trật khớp vai tái diễn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ khiến người bệnh bị  đau vai, lỏng khớp, teo cơ, mất chức năng khớp vai…

Mới 30 tuổi bị trật khớp vai 5 lần trong một năm và căn bệnh thường gặp không thể chủ quan - Ảnh 2.

Hình ảnh khớp vai bị trật

Chẩn đoán trật khớp vai tái diễn

Để chẩn đoán xác định một người bị trật khớp vai tái diễn, người bệnh sẽ được khám lâm sàng bởi các bác sĩ chuyên khoa. Để đi đến kết luận cuối cùng về tình trạng của người bệnh, cần phải làm cận lâm sàng chẩn đoán bao gồm:

  • X-quang khớp vai.
  • Cộng hưởng từ khớp vai.
  • Cắt lớp vi tính khớp vai.
  • Các cận lâm sàng khác: X-quang ngực, xét nghiệm sinh hóa máu, công thức máu…

Điều trị trật khớp vai tái diễn

Có nhiều phương pháp để điều trị trật khớp vai tái diễn, bao gồm:

Điều trị bảo tồn: tập mạnh cơ chóp xoay, delta, ngực lớn và các cơ vùng bả vai.

Phẫu thuật mổ mở: Có nhiều phương pháp mổ mở điều trị mất vững khớp vai phía trước tái diễn, có thể chia thành 3 nhóm chính can thiệp vào: bao khớp, gân cơ dưới vai hoặc xương.

Phẫu thuật nội soi ra đời đã phát triển nhiều kỹ thuật điều trị tổn thương Bankart. Kỹ thuật nội soi khớp giúp đính lại chính xác vị trí bong sụn viền, cũng như khâu chồng bao khớp bị dãn, rách, ngoài ra còn giúp giảm thiểu tổn thương thêm mô lành, sẹo mổ thẩm mỹ, phục hồi tầm vận động sớm và hoàn toàn, phát hiện và điều trị những tổn thương kèm theo.

Phòng bệnh trật khớp vai tái diễn

Để phòng bệnh trật khớp vai tái diễn, người dân nên  lựa chọn môn thể thao phù hợp với lứa tuổi, mức độ hoạt động thể lực.

Cần lưu ý rằng, ngay từ lần trật khớp vai đầu tiên người bệnh cần được điều trị đúng cách: từ nắn trật, bất động đến tập luyện  phục hồi chức năng vận động của khớp.

Sau khi phẫu thuật trật khớp vai tái diễn người bệnh cần được bất động và hướng dẫn tập phục hồi chức năng một cách bài bản dưới sự hướng dẫn của bác sĩ phục hồi chức năng và các phẫu thuật viên chấn thương chỉnh hình.

Cách tốt nhất để phòng bệnh hiệu quả đó là khi gặp vấn đề về sức khỏe, một va chạm, tai nạn lao động, sinh hoạt hay chấn thương do tập thể thao, người bệnh  nên đến khám để nhận được sự tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa.

Lời khuyên của bác sĩ:

-Trật khớp vai tái diễn là bệnh hay gặp ở lứa tuổi trẻ 20-40 tuổi, những người hay chơi thể thao. Khi ngã chống tay hay đập vai trực tiếp xuống nền cứng hoặc sai tư thế trong các môn thể thao: đá bóng, bóng chuyền, võ, vật…

-Nếu ko xử trí đúng cách với sự tư vấn của các bác sĩ chuyên ngành Y học thể thao, khớp vai trật tái diễn nhiều lần trong thời gian kéo dài có thể gây nhiều biến chứng như: thoái hoá khớp, tổn thương gân cơ, dây chằng. Xử trí muộn sẽ gặp nhiều khó khăn và kết quả không như mong muốn.

Ngày 25/6 tới đây, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Việt Đức sẽ khám và tư vấn miễn phí các bệnh lý do chấn thương thể thao. Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ được chụp Xquang và siêu âm miễn phí.

Thời gian: Từ 7h30 – 16h00 ngày 25 tháng 6 năm 2022 (thứ Bảy)

Địa điểm: Phòng khám số 16, tầng 2 nhà C2, Khu khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện HN Việt Đức.

 Xem thêm video đang được quan tâm:

5 cách uống nước giúp bạn giảm cân khi tập luyện

Ths.Bs Phan Bá Hải
Phó trưởng Khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao, Bệnh viện HN Việt Đức
Ý kiến của bạn