1. Nguồn gốc xuất xứ của mộc thông
Theo "Phương pháp bào chế đông dược, Viện Đông y Trung ương": Mộc thông là các đoạn thân leo từ cây Akebia quinata (Thunb) Decne., họ Mộc thông (Lạc di) (Lardizabalaceae). Trong sách cũng nói tới Mộc thông nam (tiểu mộc thông) [Clematis sp., họ Mao lương (Ranunculaceae)
Theo "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, GS. TS. Đỗ Tất Lợi, 2004": Mộc thông là vị thuốc của nhiều cây ở nhiều họ khác nhau.
+ Quan mộc thông từ cây Quan Mộc thông, thuộc họ Mộc hương (Aritolochiaceae)].
+ Hoài mộc thông, từ cây Hoài Mộc thông, thuộc họ Mao lương (Ranunculaceae).
+ Bạch mộc thông (hay mộc thông Nhật Bản), họ Mộc thông (Lạc di) (Lardizabalaceae)].
+ Mộc thông (hay là cây khố rách) [Iodes vitiginea (Hance) Heml., họ Mộc thông (Phytocrenaceae)].
Qua các tài liệu trên, vị mộc thông được khai thác từ nhiều cây khác nhau, trong đó có Hoài mộc thông và cây Khố rách có ở Việt Nam (Từ điển thực vật thông dụng, Võ Văn Chi, 2003). Các vị thuốc khác đều nhập vào Việt Nam.
Thành phần hóa học:
+ Mộc thông Nhật Bản họ Mộc thông (Lạc di) có glycozid (akebin), hederagenin, caryophylin, acid oleanolic.
+ Mộc thông (hay là cây khố rách), họ Mộc thông có nhiều acid béo.
+ Quan mộc thông, thuộc họ Mộc hương có chứa acid Aristolochic.Tuy nhiên, chất này có thể gây hỏng thận hoặc ung thư đường tiết niệu, viêm thận cấp và mạn tính nếu uống quá nhiều trong một thời gian, nên bị cấm sử dụng làm thuốc.
Tính vị quy kinh: Vị đắng, tính hàn; vào các kinh: Tâm, phế, tiểu trường (ruột non) và bàng quang.
Công năng chủ trị: Có tác dụng giáng tâm hỏa, thanh phế nhiệt, lợi tiểu tiện, thông huyết mạch. Dùng chữa tiểu tiện khó, thủy thũng (cơ thể bị ứ nhiều nước), ít sữa, phụ nữ kinh nguyệt bế tắc…
Liều dùng: 4g đến 12g.
Kiêng kỵ: Người suy nhược, hoạt tinh, mệt mỏi, không có thấp nhiệt bên trong thì cấm dùng. Không dùng cho phụ nữ có thai. Không sử dụng liều cao và kéo dài.
2. Một số ứng dụng mộc thông trong điều trị
- Lợi niệu thông lâm: Dùng cho các chứng bệnh thấp nhiệt tụ ở phần dưới cơ thể, đái rắt, nước đái đỏ, nóng buốt.
+ Sinh địa 20g, mộc thông 10g, hoàng cầm 12g, ngọn cành cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
Trị người nóng, đái nhỏ giọt và mụn lở loét trong miệng.
+ Thuốc nhiệt lâm: Mộc thông 12g, xích phục linh 12g, trư linh 12g, vỏ rễ dâu 12g, hạt cau 12g, tía tô 8g, gừng tươi 12g, hành ta 12g. Sắc uống, ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
Trị thấp nhiệt, phù chân, phù thũng một bên người, hen suyễn, tức thở, khó chịu, tiểu tiện không lợi (khó).
+ Mộc thông 4g, ngưu tất 4g, sinh địa 4g, thiên môn 4g, hoàng bá 4g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần trong ngày. Uống khi thuốc còn ấm.
Chữa tiểu tiện ra huyết.
- Lưu thông huyết mạch: Dùng cho chứng bệnh huyết mạch bế tắc, ứ đọng, đau co rút khắp người, sữa không thông.
+ Thang Mộc thông: Mộc thông 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần. Uống lúc thuốc còn nóng cho ra ít mồ hôi. Trị đau khớp, khó cử động, đau co rút khắp người.
+ Mộc thông 16g, bách bộ 16g, thảo quyết minh sao 16g, chỉ xác 10g, nga truật 10g, mạch môn 10g, ngưu tất 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần. Uống khi thuốc còn ấm; chữa đau vùng tâm vị, ăn hay bị nghẹn, khó nuốt, ợ hơi hoặc nôn ọe, đau tức vùng gan, đại tiện không thông, hơi thở hôi, rêu lưỡi cáu vàng.
+ Mộc thông 12g, ngưu tất 12g, diên hồ sách 12g, hồng hoa 8g, sinh địa 20g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần. Uống khi thuốc còn ấm. Trị phụ nữ kinh nguyệt bế tắc.
+ Mộc thông 12g, chân giò lợn 1 đôi. Ninh hầm để ăn chân giò và uống nước canh. Trị phụ nữ sinh đẻ bị tắc sữa.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cháo trai- món ăn bổ dưỡng