Mộc thông là một vị thuốc ta vừa nhập từ Trung Quốc, vừa khai thác trong nước.Nhưng ngay mộc thông của Trung Quốc cũng không thống nhất. Người ta đã thống kê, phát hiện thấy hơn 10 loại cây khác nhau, thuộc các họ thực vật khác nhau, chủ yếu thuộc 2 họ: Mộc hương Aristolochiaceae, Mao Lương (Rauunculaceae) cho vị thuốc mang tên mộc thông.
Tại Việt Nam, cũng có mấy cây khai thác với tên mộc thông. Khi sử dụng cần chú ý theo dõi. Ở đây chúng tôi chỉ giới thiệu một số cây thường được dùng nhất. Vị mộc thông, nguyên gọi là thông thảo, vì có lỗ nhỏ ở hai đầu nên gọi là như vậy (mộc là gỗ, thông là thông qua)
Cây mộc thông mã đậu linh hay mộc thông (Hocquartia manshuriensis (Kom) Nakai hay Aristolochia manshuriensis Kom thuộc họ Mộc hương (Aristolochiaceae) là một loại dây leo và cây to, dài độ 6 - 7m, cành non có lông. Lá to, hình tim, mép nguyên, cuống lá dài. Hoa mọc ở kẽ lá, màu lục nhạt, trong có các đốm màu tím.Quả màu xám ở ở trên đỉnh.Cây này chưa thấy ở Việt Nam. Tại Trung Quốc, cây này được dùng ở Hắc Long Giang, Liêu Ninh, Cát Lâm Trung Quốc còn dùng và bán sang ta các loại mộc thông sau đây:
1. Tiểu mộc thông do cây Clematis armandi Franch, thuộc họ Mao lương (Ranunculaceae).
2. Bạch mộc thông do cây Akebia trifoliate (Thunb.) Keidz var australis (Diels) Rehd.Thuộc họ Lardizabalaceae.Có tác giả xác định Akebia qhinata (Thunb.)Decne.
Những cây sau được khai thác ở Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Tứ Xuyên…
Phân bố, thu hái và chế biến
Người ta dùng thân cây, bóc vỏ, phơi khô mà dùng. Do nguồn gốc khác nhau người ta phân chia ra:
1. Quan mộc thông (Caulis Hocquartiae manshuriensis) thu hái từ tháng 9 - 3, cắt thành từng đoạn ngắn dài tuỳ ý, cạo bỏ vỏ ngoài, bó thanh từng bó, phơi khô. Loại này chủ yếu tiêu thụ ở vùng Hoa Bắc, Hoa Đông và cho xuất cảng.
2. Hoài mộc thông (Caulis Clematidis armandi) thu hoạch vào tháng 9, cắt thành từng đoạn 60cm, bóc bỏ vỏ phơi khô, vùng Quảng Đông, Quảng Tây và có xuất sang ta.
3. Bạch mộc thông (Caulis Akebiae trifoliatae) thường chỉ tiêu thụ ở vùng Quốc Lâm (Quảng Tây), Vân Nam. Không thấy nói khai thác để xuất khẩu.
Thành phần hóa học
- Mộc thông (mã đậu linh). Trong mộc thông mã đậu linh hay quan mộc thông (Hocquartia mashuriensis) người ta chiết ra được 0,091% chất có tinh thể màu vàng, độ chảy, công thức thô (Hóa học báo, 22: 1144 - 1956).
- Mộc thông (uy linh tiên). Trong mộc thông Nhật Bản (Akebia quinata Decne) người ta đã lấy được một loại glucozit gọi là akebin khi thủy phân sẽ được gọi là akebigenin C, glucoza và rhamnoza (Tạp chí hóa học Nhật Bản 48, 49, 1927 - 1928).Ngoài ra còn có hederagenin C và axit oleanolic hay caryophylin C (Dược học tạp chí 60, 1940).
Công dụng và liều dùng
- Tính chất mộc thông theo tài liệu cổ: vị đắng, tính hàn, vào 4 kinh: tâm, phế, tiểu trường và bàng quang. Có tác dụng tâm hỏa, thanh phế nhiệt, lợi tiểu tiện, thông huyết mạch.Dùng chữa thấp nhiệt lâm bệnh, tiểu tiện khó khăn, thủy thũng, phụ nữ kinh bế, sữa tắc.
Mộc thông là một vị thuốc dùng chữa tiểu tiện khó, thủy thũng, ít sữa.ngoài ra còn chữa kinh nguyệt bế tắc. phụ nữ có thai và những người tiểu tiện quá nhiều không dùng được.
- Liều dùng hàng ngày 4 - 6g dưới dạng thuốc sắc, dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác.
Đơn thuốc có mộc thông dùng trong nhân dân
- Chữa khó tiểu tiện hay tiểu tiện đau buốt: Mộc thông, phục linh, trạch tả, đang tâm, xa tiên, chư linh mỗi vị 6g, nước 600ml, sắc còn 200ml. Chia làm nhiều lần uống trong ngày.
- Trị sinh xong nhau thai không ra, vùng rốn bụng đầy trướng: Ngưu tất, đương quy, cù mạch, mộc thông, hoạt thạch, đông quỳ tử, sắc uống (Ngưu Tất Thang - Thiên kim phương).
- Trị sườn đau, miệng đắng, tai điếc, tai sưng, gân cơ suy yếu, vùng hạ bộ luôn bị ướt, nóng ngứa, bộ phận sinh dục sưng, bạch trọc, tiểu ra máu: Long đởm thảo, hoàng cầm, chi tử, trạch tả, mộc thông, xa tiền tử, đương quy, sài hồ, sinh địa, cam thảo, sắc uống (Long Đởm Tả Can Thang - Hòa tễ cục phương).
- Thấp nhiệt ở bàng quang biểu hiện như nước tiểu ít,tiểu tiện đau, hay đi tiểu, buồn đi tiểu và đầy bụng và chướng bụng hoặc cơn tâm hỏa biểu hiện như loét miệng và lưỡi, kích thích và đái ra máu: Dùng phối hợp mộc thông với trúc diệp, cam thảo, sinh địa hoàng dưới dạng đạo xích tán.
- Thiếu sữa:Dùng phối hợp mộc thông với vương bất lưu hành và xuyên sơn giáp hoặc mộc thông nướng với chân lợn.