Mốc lịch sử trong quan hệ Mỹ-Cuba

22-03-2016 10:50 | Quốc tế
google news

SKĐS - “Các biện pháp cấm vận đối với Cuba sẽ kết thúc”. Đó là khẳng định của Tổng thống Mỹ Barack Obama sau cuộc hội đàm với Chủ tịch Cuba Raul Castro tại thủ đô Havana vào sáng 22/3 (theo giờ Việt Nam).

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp kéo dài gần một giờ đồng hồ, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba nhấn mạnh dù hai bên còn nhiều bất đồng, nhưng việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Cuba trong hơn 5 thập kỷ qua là cần thiết.

"Dù không hoàn toàn chắc chắn là khi nào nhưng tôi tin rằng cấm vận sẽ kết thúc. Chặng đường mà chúng ta đang đi sẽ tiếp tục cho đến sau nhiệm kỳ của tôi”, Tổng thống Obama nhấn mạnh.

Tổng thống Obama đã nói về một “ngày mới” trong quan hệ giữa Mỹ và Cuba sau hơn nửa thế kỷ qua. Tổng thống Obama nói rằng quan hệ song phương giữa hai chính phủ chưa thể “biến chuyển trong một đêm”, song ông vui vì tinh thần cởi mở của nhà lãnh đạo Cuba.

Ông Obama cho rằng tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba sẽ được tổng thống tiếp theo của Mỹ triển khai. Hiện tại, Quốc hội Mỹ ngày càng nhận thấy lợi ích của việc dỡ bỏ cấm vận Cuba. Trước đó, trong tuyên bố đưa ra tại Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô La Habana, Tổng thống Obama đã đánh giá chuyến thăm Cuba là cơ hội lịch sử để gạt sang một bên sự đối đầu thời kỳ Chiến tranh Lạnh. "Việc mở một đại sứ quán Mỹ tại Cuba đồng nghĩa với việc chúng ta có thể thúc đẩy các giá trị và lợi ích của Mỹ hữu hiệu hơn cũng như hiểu rõ hơn những mối quan tâm của người dân Cuba".

Sau hơn nửa thế kỷ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Cuba, ngày 17/12/2014, Chủ tịch Castro và Tổng thống Obama đã đồng thời tuyên bố quyết định tái thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Kể từ thời điểm đó, hai nguyên thủ đã gặp nhau hai lần, tại Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ tháng 4/2015 tại Panama và tại trụ sở Liên hợp quốc, tháng 9 cùng năm. Hai nước đã tái thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 20/7 và mở lại Đại sứ quán tại thủ đô hai bên.

Chuyến thăm của một Tổng thống Mỹ đương nhiệm tới Cuba sau gần 90 năm qua được cho là mang ý nghĩa biểu tượng. Nó đánh dấu một mốc mới trong quan hệ Mỹ-Cuba đồng thời mở ra một chặng đường mới sau khi lệnh cấm vận Cuba được hoàn toàn dỡ bỏ.

Ngay trong ngày đầu tiên của chuyến thăm (21/3), công ty thanh toán toàn cầu của Mỹ - Western Union thông báo sẽ triển khai các dịch vụ chuyển tiền tới Cuba.

Chuyến thăm của Tổng thống Obama cũng sẽ mang lại lợi ích cho ứng cử viên đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới. Bởi khối cử tri quan tâm nhất tới quan hệ Mỹ-Cuba chính là những người Mỹ gốc Cuba.

Chuyến thăm Cuba của ông Obama cũng đã nhận được sự đồng tình của dư luận. Ngày 21/3, kết quả thăm dò do tờ New York Times và hãng CBS News cùng tiến hành cho thấy, đa số người Mỹ ủng hộ việc khôi phục quan hệ ngoại giao với Cuba.Trong cuộc thăm dò, có 6/10 người Mỹ được hỏi tin rằng khôi phục quan hệ với ngoại giao với Cuba chủ yếu sẽ mang lại những điều tốt cho Mỹ, và 52% người tham gia ủng hộ cách xử lý của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Tuy nhiên, không phài là không có những thách thức còn tồn tại. Trước hết là vấn đề nhân quyền. Trong cuộc hội đàm sáng sớm ngày 22/3 (theo giờ Việt nam), Tổng thống Obama đã hối thúc Cuba cải thiện hồ sơ nhân quyền, còn Chủ tịch Raul Castro phản bác rằng Mỹ đang áp dụng tiêu chuẩn kép trong vấn đề này và bản thân nước Mỹ cũng có nhiều vi phạm nhân quyền.

Hiện, vấn đề lớn nhất hiện nay là lòng tin giữa hai nước khi nhân quyền và cải cách chính trị vẫn còn là rào cản.

Dù chính quyền Tổng thống Obama hy vọng sẽ tạo ra “sự thay đổi tích cực” trong chính sách đối với Cuba, nhưng giới phân tíchvẫn thận trọng cho rằng chuyến thăm lịch sử của ông Obama sẽ khó mang lại kết quả như mong đợi. Nguyên nhân là do ông Obama sắp hết nhiệm kỳ và Quốc hội Mỹ dưới quyền kiểm soát của đảng Cộng hòa sẽ khó chấp nhận sớm dỡ bỏ cấm vận đối với Cuba.


Nhật Quang (Theo CNN, BBC, Reuters)
Ý kiến của bạn