Những phản ứng liên tục giữa Mỹ và Trung Quốc cùng vị trí của hai cường quốc này trên bàn cờ thế giới khiến người ta đặt ra một nghi vấn, có hay không cuộc chiến Mỹ - Trung.
Theo GS. Michael Vlahos từ Naval War College (Hoa Kỳ), chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc gần như là điều khó tránh. Sự tranh giành các nguồn lực giữa hai cường quốc, mối đe dọa bành trướng kinh tế và tham vọng địa chính trị ngày càng tăng từ Trung Quốc - đó là những điều mà theo ông Vlahos lâu nay đang chuẩn bị cho một xung đột quân sự bùng phát. Giáo sư người Mỹ lưu ý rằng, các phương tiện truyền thông hàng đầu của Trung Quốc không còn úp mở khi bình luận về khả năng Trung Quốc tham gia các cuộc chiến tương lai. Chính quyền Trung Quốc thực sự đang chuẩn bị về tinh thần, công tác hình thành ý kiến xã hội đã chứng tỏ điều này - Giáo sư người Mỹ nhận xét.

Phía sau nụ cười là sự dè chừng.
Ngược lại với nhận định trên, Trung tâm Các nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington đã công bố báo cáo nhan đề “Giải mã chiến lược cường quốc Trung Quốc vĩ đại đang lớn mạnh ở châu Á”. Trái lại, lập luận của báo cáo này chứng minh rằng, sự đối đầu quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ là vô căn cứ. Tác giả báo cáo lưu ý là trước hết giữa Mỹ và Trung Quốc không hề có tranh chấp lãnh thổ. Thứ hai, mặc dù Trung Quốc đang tăng nhanh tiềm lực quân sự, tiến hành cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ giống Liên Xô trước đây, nhưng Trung Quốc rõ ràng không có đủ sức. Đối đầu quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc là không thể vì hai quốc gia này đang bị ràng buộc lẫn nhau về kinh tế - ông Leonid Ivashov, Chủ tịch Trung tâm Phân tích địa chính trị Nga nhận xét: “Người Mỹ sẽ không thể chóng vánh tái cơ cấu nền kinh tế và ngành công nghiệp để đảm bảo cho thị trường của mình hàng hóa giá rẻ. Người Trung Quốc cũng không thể kiếm đâu ra một thị trường béo bở hơn Mỹ. Vì thế không bên nào muốn gây hấn”.
Tất nhiên, Trung Quốc quan ngại trước chính sách “trở lại châu Á” của Mỹ. Nhưng trên hết, Trung Quốc sẽ tranh giành sự ảnh hưởng trong khu vực với Mỹ thông qua những đòn bẩy kinh tế. Vì vậy, không có căn cứ gì cho các hành động quân sự của Trung Quốc chống Mỹ - các chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Washington kết luận.\Ở một góc nhìn khác, trong bài viết trên tờ New Strait Times (có trụ sở tại Malaysia), học giả Evan N Resnick thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế S. Rarajatnam nhận định, có 5 nguyên nhân chính có thể làm bùng phát một cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương. Đầu tiên, học giả cho biết ngân sách quốc phòng Trung Quốc đã tăng trung bình hàng năm 10,3% trong thời kỳ 2001-2011. Vào năm 2012, ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh lần đầu tiên đã vượt qua 100 tỷ USD. Vì là một cường quốc mới nổi, Trung Quốc sẽ tìm cách tăng cường an ninh bằng cách mở rộng tầm ảnh hưởng và kiểm soát ở những vùng lân cận. Ông Resnick nhấn mạnh rằng, Trung Quốc đang theo đuổi chủ trương tuyên bố chủ quyền mở rộng và tăng cường bắt nạt các quốc gia trong khu vực. Lý do thứ hai, ông Resnick cho rằng chiến lược xoay trục sang châu Á hay tái cân bằng của Tổng thống Mỹ Barack Obama cuối cùng có thể làm gia tăng thêm các căng thẳng và nguy cơ chiến tranh giữa Bắc Kinh và Washington. Thứ ba, những cam kết an ninh của Mỹ với các đồng minh trong khu vực đã khuyến khích các đồng minh này thể hiện lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Lý do thứ tư ông Resnick đưa ra là phần lớn các quốc gia tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngả về sự bảo vệ quân sự của Mỹ, trong khi nghiêng về Trung Quốc trong lĩnh vực phát triển kinh tế. Cuối cùng, cả Bắc Kinh và Washington đều không thiết lập những quy định có thể làm dịu các cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa họ.
Như vậy, khả năng về một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn bỏ ngỏ. Để ngăn chặn cuộc chiến đòi hỏi kỹ năng bao quát và sự nhạy cảm về mặt ngoại giao của những nhà hoạch định chính sách tại Washington và Bắc Kinh.
(Theo New Strait Times, The National Interest)
Vũ Quỳnh