Ngày 18-3, tin từ Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết tuần qua, các bác sĩ Khoa Ngoại ung bướu phối hợp cùng bác sĩ Corbally Martin (Ireland) đã phẫu thuật thành công 1 trường hợp u quái khổng lồ vùng cùng cụt ở trẻ 5 ngày tuổi.
Chị L.T.H.D, mẹ bé, cho hay có siêu âm tiền sản và phát hiện u lúc thai 6 tháng, vì vậy đã quyết định sinh mổ chủ động. Sau sinh, bé nhanh chóng được chuyển viện sang Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM) với khối u kích thước 25 x 8 x 13 cm ở vùng cùng cụt, to gần bằng 2/3 người bé.
Lúc nhập viện, bé suy hô hấp nhẹ, vàng da, chóp u bắt đầu có hiện tượng loét. Bé nhanh chóng được điều trị nâng đỡ chống nhiễm trùng, chiếu đèn điều trị vàng da và lên lịch mổ cắt u.
Trước mổ, chụp CT scan cho thấy đây là 1 dạng u quái, bên trong chứa nhiều thành phần: mô đặc, mô mỡ, nang dịch…và được nuôi bởi nhiều nhánh mạch máu xuất phát từ động mạch đùi hai bên. Ca mổ kéo dài hơn dự kiến, các bác sĩ đã cắt được trọn vẹn khối u (nặng 1,9 kg) và không gây mất quá nhiều máu cho bé. Sau phẫu thuật, bé tiến triển tốt, ổn định, bú được và lên ký, vết mổ khô, chức năng đi vệ sinh không bị ảnh hưởng.
Bác sĩ Nguyễn Trần Việt Tánh, thay mặt kíp mổ và gây mê, cho biết u quái cùng cụt là một dị tật bẩm sinh thường gặp ở trẻ em với tỉ lệ khoảng 1/35.000-40.000 trẻ và thường ở nữ nhiều hơn nam (4/1).
Nguyên nhân gây dị tật này đến nay vẫn chưa được làm rõ, phần lớn ý kiến cho là do bất thường trong quá trình hình thành phôi thai. Yếu tố gien hay di truyền không được ghi nhận và có vẻ không ảnh hưởng đến quá trình thai kỳ lần sau.
"Phần lớn các trường hợp u là lành tính và trẻ gần như phục hồi hoàn toàn sau phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu u quá lớn sẽ dẫn đến các biến chứng như: loét, chảy máu u, lấy 1 phần chất dinh dưỡng nuôi cơ thể nên trẻ thường còi cọc, suy dinh dưỡng. Do đó, các bậc cha mẹ có con chẳng may bị dị tật này nên đến khám để được chữa trị sớm" – bác sĩ Tánh lưu ý.