Mổ 'trong bụng mẹ' cứu kịp thời song thai mắc hội chứng truyền máu

31-03-2018 10:28 | Camera bệnh viện
google news

Bệnh viện Tâm Anh, Hà Nội vừa thực hiện ca mổ phức tạp, cứu sản phụ và song thai nhau bám mặt trước, bị hội chứng truyền máu song thai.

Một tuần sau ca mổ nội soi, thai phụ Hồ Thị Huyền Trang (28 tuổi, quê ở Nghệ An) đã bình phục, tuần hoàn hai thai nhi phát triển, nước ối tăng lên với mức độ an toàn. Đây là thành công đáng ghi nhận không chỉ của các bác sĩ bệnh viện đa khoa Tâm Anh với việc điều trị hội chứng nguy hiểm hiếm gặp, mà còn ghi dấu ấn nổi bật trong nền y tế Việt Nam khi các bác sĩ Việt Nam thực hiện thành công kỹ thuật phẫu thuật nội soi thai nhi trong buồng tử cung để điều trị truyền máu song thai.

Chị Huyền Trang khám lần đầu tại bệnh viện ngày 14/3, lúc thai được 17 tuần 2 ngày. Bệnh nhân mang song thai hai buồng ối, một bánh nhau, nhau bám mặt trước, gặp Hội chứng truyền máu song thai giai đoạn II-III. Góc ối sâu nhất của "thai cho" là 8mm, góc ối sâu nhất của "thai nhận" là 80mm. Với sự phức tạp của ca bệnh, thai phụ được thạc sĩ, bác sĩ Đinh Thị Hiền Lê tư vấn nên đi nước ngoài để thực hiện ca phẫu thuật, nếu không hai thai nhi sẽ gặp nguy hiểm, thậm chí tính mạng của người mẹ cũng bị đe doạ.

Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Thị Hiền Lê (thứ hai từ phải qua) đang phẫu thuật laser cắt đứt các mạch máu thông nối.

Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Thị Hiền Lê (thứ hai từ phải qua) đang phẫu thuật laser cắt đứt các mạch máu thông nối.

Trong khi gia đình chưa thể ra nước ngoài để thực hiện phẫu thuật thì tình trạng 3 mẹ con tiến triển nhanh theo chiều hướng xấu đi. Một tuần sau, thai phụ quay trở lại thăm khám. Lúc này tình trạng của 2 thai nhi đã rất nguy kịch. Góc ối sâu nhất của "thai cho" là 5mm, không nhìn thấy bàng quang, Doppler cuối tâm trương = 0. Với "thai nhận", hình ảnh trục tim lệch sang bên trái, 4 buồng tim bất tương xứng, tâm nhĩ phải giãn to, hở van ba lá, hẹp động mạch phổi. Hai thận tăng âm, góc ối sâu nhất của thai nhận là 99 mm. Tiên lượng rất xấu.

“Một em bé gần như cạn ối hoàn toàn, một em bé đa ối và suy tim, kích thước tim lớn và tràn dịch màng tim. Bằng mọi cách, tôi phải cứu hai em bé càng sớm càng tốt”, bác sĩ Hiền Lê nhớ lại. Nhau bám mặt trước là một ca phẫu thuật rất khó vì nếu không chọn đúng đường vào có thể gây ra tai biến. Chỉ một sơ sót nhỏ, người mẹ và thai nhi sẽ khó hồi phục.

Theo bác sĩ Lê, điều trị hội chứng truyền máu song thai giai đoạn III chỉ có một cách duy nhất là phẫu thuật nội soi trong buồng tử cung bằng phương pháp phẫu thuật nội soi thai nhi hay phẫu thuật laser - tức dùng tia laser cắt đứt các mạch máu thông nối giúp mỗi thai phát triển riêng lẻ, không phụ thuộc vào thai kia. Phương pháp phẫu thuật này có độ khó cao vì tất cả các thao tác phải thực hiện trong tử cung của người mẹ. Để thực hiện cần phải có máy móc hiện đại, chuyên dụng, bác sĩ tay nghề cao.

Phẫu thuật nội soi thai nhi trong buồng tử cung hay còn gọi là phẫu thuật lazer.

Phẫu thuật nội soi thai nhi trong buồng tử cung hay còn gọi phẫu thuật laser.

Bác sĩ Lê chia sẻ, những giây phút đầu tiên của ca mổ, cả ekip căng như dây đàn. Dụng cụ nội soi phải "đi" vào buồng ối bằng con đường rất hẹp, khoảng một mm. Nếu không chọn đúng đường vào rất có thể ca phẫu thuật sẽ thất bại, gây ra tai biến nguy hiểm tính mạng cho mẹ, thậm chí cả ba mẹ con có thể tử vong ngay trên bàn mổ. “Lúc vào trong buồng ối và quan sát hết các mạch máu rồi, bác sĩ Hiền Lê hét lên vui mừng. Mổ xong và đốt được tương đối các mạch máu, cả kíp mổ đều cười tươi”, chị Huyền Trang nhớ lại.

Hình ảnh siêu âm hai thai nhi sau ca mổ.

Hình ảnh siêu âm hai thai nhi sau ca mổ.

Sau khi mổ nội soi một ngày, sản phụ được siêu âm kiểm tra cho thấy các dấu hiệu đều tốt ở mức ngoài mong đợi, chỉ chậm trễ một ngày sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của 2 em bé.

Hội chứng truyền máu song thai là hai hoặc nhiều thai nhi chỉ có chung một bánh nhau, thường gặp trong song thai cùng trứng có sự phân chia trễ. Sự thông nối giữa mạch máu của hai thai nhi ở trong bánh nhau khiến máu của một thai sẽ truyền cho thai còn lại. Thai cho máu kém phát triển, thiếu ối, yếu ớt, teo tóp dần đi. Thai nhận máu do lượng máu quá nhiều phát triển nhanh dẫn đến suy tim, phù thai, đa ối, bàng quang căng to, đa niệu…

Nếu hội chứng xuất hiện trước tuần 20 của thai kỳ, thai nhi tử vong gần như 100%, mức độ nặng xảy ra trước tuần 16 sẽ cân nhắc chấm dứt thai kỳ. Hội chứng chia làm 5 giai đoạn, ở giai đoạn 3 song thai gặp nguy hiểm, giai đoạn 4 rơi vào nguy kịch, còn giai đoạn 5 thì một hoặc cả 2 bé bị chết lưu. Nếu một trong hai thai chết lưu thì thai còn lại sẽ tử vong trong bụng mẹ.


Ý kiến của bạn