Trước năm 1950, bác sĩ phẫu thuật chưa thể mổ trên tim vì thao tác với tim đang đập không phải chuyện đơn giản, cũng như không thể điều trị các tổn thương trong tim vì không thể mở tim để thao tác. Sau đó, vào giữa thập kỷ 1950, với sự ra đời của máy tim phổi nhân tạo, bác sĩ phẫu thuật đã có thể cho ngưng tim, mở tim ra, sửa chữa các tổn thương rồi cho tim đập lại. Từ đó đến nay, ngành phẫu thuật tim không ngừng phát triển và phát triển với tốc độ chóng mặt, có thể điều trị hầu hết các bệnh tim từ đơn giản đến phức tạp. Không chỉ thế, có nhiều kỹ thuật mới với nhiều ưu điểm, hiệu quả cao đã được áp dụng, trong đó, phẫu thuật tim nội soi và ít xâm lấn là một hướng phát triển đang được nhiều trung tâm tim mạch trong và ngoài nước quan tâm.
Kỹ thuật mổ tim mới…
Trong lịch sử ngoại khoa, có lẽ chưa có sự thay đổi trang thiết bị nào ảnh hưởng đến phương pháp phẫu thuật sâu sắc như phẫu thuật nội soi. Tất cả các thao tác phẫu được thực hiện qua dụng cụ với sự quan sát trên màn hình, thay vì thực hiện bằng tay trong một không gian ba chiều. Những năm qua là thời gian bùng nổ về phẫu thuật nội soi. Ngày càng có nhiều loại phẫu thuật của nhiều chuyên ngành được thực hiện bằng phương pháp này, thậm chí hiện nay, có những loại phẫu thuật gần như chỉ thực hiện bằng phương pháp nội soi, chẳng hạn phẫu thuật cắt ruột thừa hoặc cắt túi mật. Có thể nói phẫu thuật nội soi là bước ngoặt lớn, là cuộc cách mạng trong sự phát triển của ngoại khoa.
Hòa vào xu hướng phát triển của ngoại khoa và phẫu thuật nội soi, ngành phẫu thuật tim cũng từng bước áp dụng các kỹ thuật mổ ít xâm lấn và kỹ thuật mổ nội soi. Do đặc thù cấu trúc giải phẫu tim phức tạp, các loại phẫu thuật lớn, những thao tác đòi hỏi sự chính xác cao nên phẫu thuật nội soi tim được triển khai tương đối chậm nhằm mục đích đảm bảo đạt chất lượng như phẫu thuật kinh điển nhưng ít xâm lấn hơn. Trong vòng 2 thập kỷ qua, bác sĩ phẫu thuật tim trên thế giới đã trau dồi và thực hiện một số loại phẫu thuật tim bằng phương pháp nội soi, đạt được mức độ an toàn cao và kết quả tốt. Nhờ đó, ngày càng có nhiều trung tâm tim mạch trên thế giới, ở các nước Âu, Mỹ triển khai kỹ thuật mổ nội soi để điều trị các bệnh lý tim cần phải phẫu thuật. Tại Đức, trong năm 2014 trên 80% số bệnh nhân cần mổ sửa hoặc thay van hai lá đã được mổ bằng phương pháp nội soi.
Đường mổ kinh điển trong phẫu thuật tim là đường rạch da dọc giữa ngực và xẻ dọc xương ức. Thay vì phải thực hiện đường mổ dài như vậy, trong phẫu thuật nội soi tim, bác sĩ phẫu thuật mổ qua 2, 3 lỗ nhỏ trên thành ngực và tiếp cận với tim bệnh nhân bằng đường mổ khoảng 4 - 5 cm ở thành bên ngực phải. Một số trường hợp đường mổ tiếp cận tim là đường mở xương ức ngắn cũng chỉ khoảng 4 - 5cm. Qua đường mổ, bác sĩ tiến hành các thao tác phẫu thuật thông qua những dụng cụ đặc biệt cùng với ống soi có máy quay. Có nhiều loại phẫu thuật tim có thể thực hiện bằng phương pháp nội soi, như là: sửa hoặc thay van 2 lá, sửa van 3 lá, cắt bỏ u nhày nhĩ trái, vá lỗ thông liên nhĩ, vá lỗ thông liên thất, sửa chữa kênh nhĩ thất bán phần, sửa chữa bất thường hồi lưu tĩnh mạch phổi…
Sự kết hợp nội soi với phẫu thuật tim không chỉ đơn thuần là đưa ra một kỹ thuật mới mà còn đem lại nhiều lợi điểm cho người bệnh. Tại Việt Nam, hiện nay các trung tâm phẫu thuật tim lớn đều nhận thấy những ưu thế của phẫu thuật này và có kế hoạch từng bước triển khai. Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM là một trong những trung tâm đi đầu trong triển khai kỹ thuật mới và hiện đã thành công trong việc thực hiện phương pháp phẫu thuật tim nội soi và phẫu thuật tim ít xâm lấn một cách thường quy và đạt được kết quả khả quan.
Ca phẫu thuật nội soi thay van hai lá
… Nhiều ưu điểm
Ưu điểm rõ rệt nhất và được người bệnh, đặc biệt là phụ nữ và người trẻ tuổi, quan tâm nhiều nhất là tính thẩm mỹ. Trong phẫu thuật tim nội soi, đường mổ chỉ là một vết sẹo nhỏ, khi diện trang phục, người bệnh hoàn toàn có thể che dấu vết sẹo này. Thậm chí, nữ giới có thể mặc đồ tắm mà không để lộ vết sẹo.
Tuy nhiên, các lợi ích do phẫu thuật nội soi đem lại còn lớn hơn nhiều. Phương pháp này giúp tránh được đường mở dọc toàn bộ xương ức, giữ xương ức lành lặn (việc chẻ xương ức có thể gây một số biến chứng như: nhiễm trùng xương ức, xương ức mất vững…). Phẫu thuật nội soi tim thường có thời gian thở máy sau mổ và thời gian điều trị hồi sức ngắn; giảm việc truyền máu và các chế phẩm của máu, giúp cho quá trình điều trị bệnh nhẹ nhàng hơn, thời gian hồi phục nhanh hơn.
Tuy nhiên, cần lưu ý là không phải bất cứ loại phẫu thuật nào hoặc bất cứ trường hợp nào cũng có thể mổ nội soi. Cũng cần lưu ý, thực hiện mổ tim nội soi cũng có những khó khăn hơn so với phương pháp kinh điển: phẫu thuật viên và ê-kíp gây mê hồi sức, ê-kíp phụ trách máy tuần hoàn ngoài cơ thể cần được đào tạo chuyên sâu; thời gian sử dụng máy tim phổi nhân tạo và ngưng tim kéo dài hơn; cần đến máy nội soi và những dụng cụ chuyên biệt… Chính vì vậy, bác sĩ sẽ xem xét và đánh giá kỹ lưỡng, chọn lựa bệnh phù hợp trước khi tư vấn bệnh nhân chọn lựa phương pháp nội soi.
Cùng với sự phát triển của phẫu thuật nội soi tim, chắc chắn người bệnh sẽ còn hưởng lợi nhiều hơn nữa từ những ca mổ tim nội soi và mổ tim ít xâm lấn.
TS.BS. NGUYỄN HOÀNG ĐỊNH - ThS.BS. NGÔ BẢO KHOA
Trung tâm Tim Mạch - BV. Đại học Y Dược TP.HCM