Đó là mục tiêu đề ra trong Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, theo đó cần tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS.
Chương trình điều trị ARV tại Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao
ThS.BS Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, tính đến tháng 6/2024, trên toàn quốc có 181.558 người nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV), trong đó có 2.466 trẻ em dưới 15 tuổi, tại hơn 500 cơ sở y tế ở 63 tỉnh, thành phố. Số người được cấp thuốc ARV thông qua bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 119.055 người, chiếm trên 66%.
Môt số kết quả điều trị ấn tượng như:
- Tỷ lệ người bệnh HIV có kết quả xét nghiệm tải lượng HIV (TLHIV) dưới ngưỡng ức chế (< 1000 cp/ml) đạt trên 97%.
- Tỷ lệ người bệnh duy trì điều trị ARV đạt trên 95%.
- Trên 95% bệnh nhân được điều trị dự phòng lao tiềm ẩn và đồng nhiễm HIV/lao.
- Tất cả người bệnh đang điều trị ARV đều được sàng lọc viêm gan C và những người nhiễm virus viêm gan C được điều trị với tỷ lệ khỏi bệnh đạt trên 96% (với thuốc điều trị do Dự án Quỹ Toàn cầu hỗ trợ).
Với kết quả điều trị này, Việt Nam đã nhận được đánh giá cao từ cộng đồng quốc tế.
ThS.BS Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS chia sẻ thông tin tại buổi gặp mặt báo chí nhân Tháng hành động Quốc gia phòng chống AIDS.
Bên cạnh đó, gần đây các cơ sở điều trị đã bắt đầu triển khai sàng lọc, quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu, đái tháo đường, sức khỏe tâm thần...
Về quản lý và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, ThS.BS Võ Hải Sơn cho biết, hiện đang tăng cường xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai để phát hiện và điều trị ARV kịp thời, giúp trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng và tư vấn chăm sóc. Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con đang duy trì ở mức rất thấp, dưới 1,9%.
Cung cấp các dịch vụ chăm sóc và điều trị cho trẻ em và vị thành niên nhiễm HIV, bao gồm tư vấn công khai tình trạng nhiễm HIV và hướng dẫn sức khỏe sinh sản, an toàn tình dục tại các cơ sở điều trị.
Một số khó khăn trong điều trị HIV
Mặc dù chương trình điều trị HIV đã đạt được nhiều kết quả tích cực và phần lớn các dịch vụ khám chữa bệnh cùng thuốc ARV được BHYT chi trả. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn và thách thức.
ThS.BS Võ Hải Sơn cho biết, ở nhiều tỉnh, người bệnh HIV gặp khó khăn trong việc tiếp cận thuốc ARV, đặc biệt là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, gây khó khăn cho việc duy trì điều trị; độ bao phủ của xét nghiệm tải lượng HIV còn hạn chế, mỗi năm chỉ đạt dưới 80%. Nhiều tỉnh, thành phố chưa có điều kiện thực hiện xét nghiệm này tại chỗ và phải ký hợp đồng với các đơn vị đủ điều kiện xét nghiệm.
Quá trình mua sắm và cung ứng thuốc ARV vẫn chưa thuận lợi, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc trong một số thời điểm. Việc cung cấp gói dịch vụ toàn diện (sàng lọc, quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm, chăm sóc sức khỏe tâm thần) cho người nhiễm HIV tại các cơ sở y tế còn hạn chế, do liên quan đến yêu cầu về chứng chỉ hành nghề của cán bộ y tế…
Cách nào thực hiện mục tiêu điều trị HIV đến năm 2030?
HIV/AIDS là vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển của đất nước. Trong 9 tháng đầu năm 2024, cả nước vẫn ghi nhận 11.421 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính, trong khi mục tiêu đến năm 2030, giảm số người nhiễm HIV được phát hiện mới đạt mức dưới 1.000 trường hợp/năm. Như vậy, còn rất xa để đạt được mục tiêu này, để HIV không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và của cộng đồng.
ThS.BS Võ Hải Sơn cho biết, điều trị ARV sẽ làm giảm tải lượng virus HIV xuống ngưỡng không phát hiện được. Khi đạt được ngưỡng này, người nhiễm HIV sẽ không làm lây nhiễm HIV cho người khác. Như vậy điều trị ARV là biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV hiệu quả.
Điều trị bằng thuốc ARV còn giúp dự phòng trước phơi nhiễm cho người có hành vi nguy cơ cao, nhưng chưa bị nhiễm HIV và có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Đây là một chiến lược mới, là "lá chắn" hiệu quả góp phần hạn chế sự lây lan của HIV qua đường tình dục đến hơn 90%.
Tư vấn cho bệnh nhân về lợi ích của điều trị ARV (Ảnh minh họa).
Do đó, trong thời gian tới cần cung cấp hướng dẫn chuyên môn về điều trị HIV; xây dựng văn bản hướng dẫn về khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) từ xa; cập nhật quy trình chuyên môn khám, chữa bệnh HIV để phù hợp với nhu cầu điều trị hiện tại.
Về chuyên môn kỹ thuật, ThS.BS Võ Hải Sơn cho biết, cần cung cấp dịch vụ phù hợp với tình trạng bệnh của từng người; lồng ghép và đa dạng hóa các mô hình cung cấp dịch vụ, tạo kết nối trong hệ thống điều trị HIV, lấy người bệnh làm trung tâm; nâng cao chất lượng dịch vụ lâm sàng và cận lâm sàng, xây dựng môi trường khám chữa bệnh thân thiện, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm khác cho cả người bệnh và nhân viên y tế.
Đối với việc cung ứng thuốc và sinh phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý điều trị HIV, kết nối hệ thống HMED với phần mềm quản lý bệnh viện khi thực hiện khám BHYT; phát triển các công cụ hỗ trợ kỹ thuật và triển khai hỗ trợ chuyên môn trong mua sắm, quản lý chuỗi cung ứng phục vụ điều trị HIV; đảm bảo sự sẵn có, dễ tiếp cận các xét nghiệm cần thiết và cung ứng thuốc liên tục, không gián đoạn…
Để đảm bảo nguồn lực tài chính bền vững, duy trì nguồn tài chính ổn định từ bảo hiểm y tế (BHYT) và ngân sách nhà nước (NSNN), đảm bảo hoạt động điều trị HIV hiệu quả, bền vững. Những giải pháp này hướng tới việc nâng cao hiệu quả điều trị HIV, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh và góp phần vào mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, ThS, BS Võ Hải Sơn chia sẻ.
Giải pháp về điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV trong Chiến lược chấm dứt dịch bệnh AIDS đến năm 2030:
Mở rộng độ bao phủ dịch vụ điều trị HIV/AIDS
- Điều trị bằng thuốc kháng virus HIV (thuốc ARV) cho những người nhiễm HIV ngay sau khi được chẩn đoán xác định. Mở rộng điều trị HIV/AIDS tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, các cơ sở chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội, các tổ chức tôn giáo, tổ chức xã hội và các tổ chức hợp pháp khác. Huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong điều trị HIV/AIDS;
- Lồng ghép dịch vụ điều trị HIV/AIDS vào hệ thống khám bệnh, chữa bệnh; phân cấp điều trị HIV/AIDS về tuyến y tế cơ sở; mở rộng chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại tuyến xã, chăm sóc người bệnh HIV/AIDS tại nhà, tại cộng đồng;
- Tăng cường tư vấn và xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai; điều trị ngay thuốc ARV cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV; chẩn đoán sớm, quản lý và điều trị cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV;
- Tăng cường dự phòng, phát hiện và điều trị các bệnh đồng nhiễm với HIV/AIDS, gồm lao, viêm gan B, C và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS
- Cập nhật kịp thời hướng dẫn chăm sóc và điều trị HIV/AIDS theo các khuyến cáo mới phù hợp với điều kiện của Việt Nam; thực hiện tối ưu hóa phác đồ điều trị HIV/AIDS, bảo đảm điều trị an toàn, hiệu quả; cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS phù hợp với tình trạng của người bệnh; tăng cường quản lý, theo dõi và hỗ trợ tuân thủ điều trị HIV/AIDS;
- Mở rộng các hoạt động cải thiện chất lượng điều trị HIV/AIDS, lồng ghép vào hệ thống quản lý chất lượng bệnh viện; mở rộng độ bao phủ các xét nghiệm theo dõi điều trị HIV/AIDS;
- Tăng cường các hoạt động dự phòng và giám sát HIV kháng thuốc; theo dõi, đánh giá và ngăn chặn các phản ứng có hại của thuốc ARV trong điều trị HIV/AIDS; lồng ghép theo dõi cảnh báo sớm HIV kháng thuốc vào quản lý chất lượng điều trị HIV/AIDS.