Những ngày đầu tháng 1/2022, tại các cửa khẩu đường bộ khu vực Lạng Sơn vẫn gần 2.000 xe container chở hàng bị ách tắc. Nguyên nhân chủ yếu do nước bạn tạm đóng cửa một số cửa khẩu để siết chặt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19.
Trái ngược với đường bộ, tại ga Đồng Đăng, hàng ngày các đoàn tàu hàng qua lại biên giới vẫn chạy thông suốt. Các toa xe xếp kín đầy đường ga, bãi hàng.
Lý giải vì sao đường bộ bị tắc biên, còn đường sắt thì không, ông Phạm Đức Khái, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt ga Đồng Đăng, Trưởng ga liên vận quốc tế Đồng Đăng cho biết, theo quy định, hàng xuất nhập khẩu vận chuyển bằng đường sắt phải là hành chính ngạch. Trong khi đó, hàng trái cây đang tắc tại biên giới có đến 90% là hàng tiểu ngạch, hàng chợ.
"Quan trọng hơn, phía Trung Quốc thực hiện nghiêm ngặt các quy định phòng dịch COVID-19 hạn chế tiếp nhận hàng trái cây tươi đi bằng container lạnh có xuất xứ từ Việt Nam. Do vậy, dù là hàng chính ngạch, đường sắt cũng không thể nhận trung chuyển hàng này được", ông Khái nói.
Nhằm tăng cường hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước, giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu, Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị số 14 yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp khẩn trương thực hiện các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nội địa.
Chỉ thị nêu rõ, Vụ Thị trường trong nước có trách nhiệm phối hợp Cục Xúc tiến thương mại và các đơn vị đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của các địa phương tại thị trường trong nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu.
Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản để giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu hiện đang gặp khó khăn do chính sách điều tiết cửa khẩu của một số nước có biên giới với Việt Nam.
Ngoài ra, Vụ Thị trường trong nước còn có trách nhiệm làm đầu mối, phối hợp các đơn vị của bộ chỉ đạo, hỗ trợ hệ thống phân phối tăng lượng tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh trong hệ thống.
Đồng thời, phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã ứng dụng thương mại điện tử để phân phối và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông sản…
Cục Xúc tiến thương mại chủ động đẩy mạnh các biện pháp xúc tiến thương mại, tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản cho các địa phương; hỗ trợ thương nhân đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử.
Đặc biệt, ưu tiên, bố trí nguồn kinh phí xúc tiến thương mại hàng năm cho các ngành hàng nông, thủy sản tại Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia của Chính phủ.
Hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng trong việc xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận của các sản phẩm đặc sản vùng miền…
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ là đầu mối chủ trì chỉ đạo, hướng dẫn các sàn giao dịch thương mại điện tử tạo điều kiện cho người bán, thương nhân kinh doanh nông sản tham gia sàn, đào tạo kỹ năng và vận hành hoạt động kinh doanh trực tuyến, hỗ trợ vận chuyển, thanh toán trực tuyến.
Mặt khác, hỗ trợ và ưu tiên các thương nhân kinh doanh nông sản tham gia các Chương trình ngày mua sắm trực tuyến; gian hàng Việt trực tuyến quốc gia…
Trong khi đó, theo lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp kiểm soát nông sản xuất khẩu qua địa bàn tỉnh, đảm bảo các yêu cầu dịch; khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, các cá nhân, đơn vị liên quan tạm dừng đưa hàng hóa lưu tại các cửa khẩu, đồng thời có phương án hỗ trợ tiêu thụ nội địa, chế biến sau thu hoạch.
Tính đến ngày 10/1, tổng lượng xuất nhập khẩu qua cửa khẩu trên địa bàn tỉnh là 1.818 xe, trong đó khoảng một nửa là xe chở hoa quả.
Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đề nghị cần phải rà soát, đánh giá tổng thể để xây dựng kế hoạch tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trên phạm vi cả nước ngay từ đầu năm. Trong đó cần có kế hoạch tổng thể, dự báo sản lượng gắn với kế hoạch sản xuất, vùng trồng và khả năng tiêu thụ tại các thị trường trong nước, ngoài nước...để có những phương án, giải pháp chủ động hơn nữa.