Mở rộng phát hiện lao chủ động - giải pháp hiệu quả kết thúc bệnh lao tại Việt Nam

01-04-2017 16:13 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Phát hiện chủ động được xem là một giải pháp hiệu quả cần được mở rộng ứng dụng trong thực hiện Chiến lược kết thúc bệnh lao ở Việt Nam.

Nằm trong một chuỗi sự kiện quan trọng nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế chống lao 24/3, Hội thảo "Tham vấn các đối tác chiến lược phát hiện lao chủ động tại Việt Nam" được Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình Chống lao Quốc gia phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới, Viện Karolinska - Thuỵ Điển, Trường Y học nhiệt đới Liverpool - Vương quốc Anh và một số đối tác tổ chức tại Hà Nội ngày 31/3/2017.  

Hội thảo do PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BVPTW - Trưởng Ban điều hành CTCLQG chủ trì và có sự tham gia đông đảo của các chuyên gia đến từ nhiều tổ chức quốc tế khác như TB REACH, TB Union, KCNV, PATH, CHAI, FIT, IRD, Woolcock... và các đối tác trong nước.  Với vai trò của một "nước tìm đường - pathfinding country" trong thực hiện Chiến lược kết thúc bệnh lao trên thế giới, các mô hình thí điểm và mở rộng phát hiện lao chủ động ở nước ta cũng sẽ được Chương trình Chương trình Chống lao Quốc gia và các đối tác quốc tế chủ chốt tổng hợp và phổ biến cho ứng dụng trên thế giới, nhất là ở các nước đang phát triển khác cũng có gánh nặng bệnh lao cao.

Hội thảo "Tham vấn các đối tác chiến lược phát hiện lao chủ động tại Việt Nam" diễn ra tại Hà Nội ngày 31/3/2017

Các mô hình phát hiện lao chủ động trong cộng đồng dân cư và ở một số đối tượng có nguy cơ cao được thí điểm tại một số địa bàn khác nhau đã được đánh giá là đều mang lại hiệu quả cao. Một số kết quả quan trọng là:

a)  Ở cộng đồng dân cư, tỷ lệ phát hiện lao chủ động cao gấp 3,6 lần so với tỷ lệ phát hiện lao thụ động;

b)  Phát hiện chủ động ở cộng đồng dân cư có thể góp phần làm giảm khoảng 20% tỷ lệ mắc lao hàng năm;

c)  Ở một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao, tỷ lệ phát hiện chủ động cao gấp ít nhất 15 lần so với phát hiện thụ động;

Các mô hình phát hiện lao chủ động sẽ được mở rộng ở nước ta trong những năm tới nhằm góp phần giảm nhanh tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong do lao, hướng đến kết thúc bệnh lao vào năm 2030. Nhiều giải pháp quan trọng cho mở rộng đã được thảo luận trong Hội thảo, đặc biệt là:

a)  Mở rộng các địa bàn triển khai và tăng cường sàng lọc các đối tượng có nguy cơ cao (như trẻ em có tiếp xúc với người bệnh lao, người cao tuổi; người nhiễm HIV, người mắc các bệnh bệnh phổi mạn tính, tiểu đường, tâm thần; người đã từng mắc lao, công nhân mỏ, tù nhân, nhân viên y tế...);

b)  Tăng cường ứng dụng các kỹ thuật phát hiện nhanh và có độ nhậy, độ đặc hiệu cao trong phát hiện chủ động như GeneXpert;

c)  Huy động rộng rãi hơn nữa sự tham gia của các tổ chức xã hội trong tham gia sàng lọc ở cộng đồng;

Một số giải pháp nhằm giảm thiểu tác hại không mong muốn cho đối tượng sàng lọc và tối ưu hoá hiệu quả-chi phí  trong phát hiện chủ động đã được xác định, nhất là:

a)  Tăng cường công tác truyền thông và tư vấn trước và trong quá trình triển khai sàng lọc, đặc biệt là về giảm thiểu kỳ thị người bệnh lao;

b)  Phát huy vai trò, trách nhiệm và huy động sự phối kết hợp của các tổ chức đoàn thể, nghề nghiệp và xã hội ở cộng đồng trong tham gia phát hiện chủ động;

c)  Hỗ trợ nâng cao năng lực tham gia và lồng ghép hoạt động phát hiện chủ động vào những dịch vụ sẵn có của một số mạng lưới y tế-xã hội ở cộng đồng.



PGS.TS Lê Văn Hợi - PGĐ. BV Phổi Trung ương/Phó Trưởng Ban điều hành, Chương trình Chống lao Quốc gia
Ý kiến của bạn