Mở rộng phạm vi thanh toán cho người bị tai nạn giao thông

18-05-2014 23:02 | Thời sự

SKĐS - Mọi bệnh nhân bị tai nạn giao thông (TNGT) cho dù có vi phạm luật hay không sẽ được bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán.

Mọi bệnh nhân bị tai nạn giao thông (TNGT) cho dù có vi phạm luật hay không sẽ được bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán. Đây là thông tin được bà Tống Thị Song Hương - Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống biết khi đề cập đến một số nội dung mới của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp khai mạc ngày 20/5/2014.

Bà Tống Thị Song Hương.

PV: Tại sao Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT lại đưa nội dung mọi người dân khi bị TNGT đều được BHYT thanh toán, thưa bà?

ThS. Tống Thị Song Hương: Hiện nay, Thông tư 39 do liên bộ Y tế và Tài chính ban hành năm 2011, những người bị TNGT nếu xác định là vi phạm Luật An toàn giao thông thì sẽ không được BHYT thanh toán, còn nếu không vi phạm thì sẽ được thanh toán BHYT. Bệnh nhân bị TNGT nào vào viện vẫn được hưởng chế độ BHYT theo quy định. Để xác định người bị nạn có vi phạm luật hay không, cán bộ bảo hiểm xã hội phải gửi văn bản đến cơ quan cảnh sát giao thông hoặc cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội nơi xảy ra vụ tai nạn đề nghị xác minh hành vi của người bị TNGT. Trong khi TNGT thường không xảy ra ở địa bàn người dân cư trú hoặc xảy ra trong đêm, không có người làm chứng dẫn đến tình trạng rất khó xác định người đó có vi phạm Luật An toàn giao thông hay không, thế nhưng trên thực tế quỹ BHYT vẫn phải thanh toán mà còn tốn kém rất nhiều công sức, công văn giấy tờ để điều tra. Do đó, để bảo đảm quyền lợi cho người bệnh, dự thảo mở rộng phạm vi thanh toán cho mọi đối tượng bị TNGT.

PV: Theo bà, việc điều tra ai vi phạm pháp luật trong các vụ TNGT hiện nay có vẻ khó khăn?

ThS. Tống Thị Song Hương: Trên thực tế thực thi vấn đề thanh toán BHYT cho người bị TNGT thời gian qua cho thấy, việc điều tra ai vi phạm pháp luật trong các vụ TNGT khá khó khăn. Thậm chí, điều tra ra cũng không đòi người bệnh hoàn được tiền họ đã được chi trả. Trong khi đó, bệnh nhân bị TNGT không vi phạm luật lại bị phiền hà vì thủ tục hành chính. Khi đã vào viện thì việc cứu chữa con người là quan trọng nhất, không nên vì họ sai mà phân biệt đối xử. Không chỉ người vi phạm Luật Giao thông mà cả người tự tử, đánh nhau... đã vào viện thì không thể cứ mải đi tìm nguyên nhân khiến họ vào viện mà phải tạo điều kiện tốt nhất để cứu chữa cho họ. Dự thảo đưa quy định mọi bệnh nhân bị TNGT vào là hướng tới mục đích nhân văn đó.

Ngoài ra, các trường hợp tự tử, tự gây thương tích và chữa bệnh tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của người đó gây ra cũng được đề xuất thanh toán BHYT.

PV: Thưa bà, việc mở rộng thêm phạm vi thanh toán như vậy liệu có ảnh hưởng đến tính an toàn của Quỹ BHYT?

ThS. Tống Thị Song Hương: Trước đây, do số người tham gia BHYT ít, mức đóng thấp nên Luật BHYT chỉ chú trọng vào đối tượng khám chữa bệnh thông thường, “chừa” ra một số đối tượng vi phạm pháp luật, các kỹ thuật cao quá tốn kém. Hiện nay, tỷ lệ đóng BHYT nhiều hơn, do đó việc mở rộng chi trả sẽ tiếp tục khuyến khích người dân tham gia BHYT, đồng thời nâng cao quyền lợi của người bệnh.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Nguyễn Nam (thực hiện)

 


Ý kiến của bạn