Hà Nội

Mở rộng độ phủ sóng BHYT đến toàn dân: Thách thức ở chặng cán đích

13-03-2015 14:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thực hiện BHYT toàn dân là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, rất tiến bộ và rất nhân đạo, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Thực hiện BHYT toàn dân là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, rất tiến bộ và rất nhân đạo, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Qua quá trình triển khai thực hiện, đến hết năm 2014, tỷ lệ bao phủ đã đạt được 71,6% dân số, đây là một sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của ngành y tế và các ngành liên quan. Tuy nhiên, con số đến năm 2020, phấn đấu đạt tỷ lệ 80% bắt đầu trở nên khó khăn hơn nhiều, không chỉ đòi hỏi sự cố gắng và phối hợp triệt để của các ban, ngành, chính quyền địa phương và người dân.

71,6% người dân có BHYT

Theo báo cáo của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam về tình hình triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm y tế và “Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020”, kết quả triển khai Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân đến hết năm 2014 đã đạt tỷ lệ bao phủ 71,6% dân số, vượt mục tiêu đề ra đến năm 2015 có trên 70% dân số tham gia BHYT. Quỹ BHYT đã thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh đối với nhiều đối tượng như người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn.

Cải cách thủ tục nâng cao chất lượng KCB là yếu tố quan trọng để tiến tới BHYT toàn dân.

Nhận định việc mở rộng tỷ lệ bao phủ BHYT đối với 30% dân số chưa tham gia khó có thể đạt mục tiêu bảo phủ toàn dân nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, một số ý kiến đề nghị đưa chỉ tiêu BHYT trở thành chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương; các địa phương hỗ trợ 30% mức đóng còn lại để bao phủ BHYT cho 100% người thuộc hộ cận nghèo; khẩn trương ban hành hướng dẫn thực hiện BHYT đối với lực lượng vũ trang; tuyên truyền, vận động học sinh, sinh viên tham gia…

Tính đến ngày 27/2/2015, đã có 45/63 tỉnh, thành phố xây dựng và ban hành Kế hoạch hoặc văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai luật; một số địa phương thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Luật BHYT; 18 địa phương còn lại tuy chưa ban hành kế hoạch hoặc công văn chỉ đạo thực hiện nhưng Sở Y tế và BHXH tỉnh đã chủ động phối hợp tổ chức triển khai các nội dung của luật đến các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh và BHXH các huyện.

“Người yếu” mới thấy quý

Có thể thấy rằng, ý thức người dân về BHYT đã ngày một nâng cao. Tuy nhiên, điều này xem ra đúng hơn ở những người có bệnh mạn tính, già yếu. Còn những người khoẻ, ít ốm… thì chưa hề nhận thức hết tầm quan trọng của việc được bảo hiểm về sức khoẻ và mối liên quan giữa nó với chính kinh tế của bản thân.

Bác Trịnh Đình H. ở Vĩnh Phúc, Hà Nội đang nằm tại Khoa Thận - BV Giao thông Vận tải bộc bạch: “Tôi cũng bị mắc bệnh hiểm nghèo, nếu không được hỗ trợ từ BHYT thì tôi rất chật vật. Chúng ta không cần phải bàn cãi về tính nhân văn, sự cần thiết của BHYT vì khi đã bị ốm đau, bệnh tật thì ngay cả người giàu chứ chưa cần nói người nghèo, người cận nghèo cũng có nguy cơ khánh kiệt”.

Bà Đặng Thị Thanh (57 tuổi, thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương, Thái Bình) hiểu điều này hơn ai hết. Bà hiện đang điều trị bệnh thiếu máu huyết tán tại Viện Huyết học - Truyền máu TW. Bà cho biết, bệnh này khiến bà gầy yếu, suy nhược cơ thể, chóng mặt, đi lại không vững. Sau khi truyền hóa chất, cứ 3 tháng 1 lần, bà lại nhập viện để truyền máu. Chi phí mỗi lần điều trị từ 10-20 triệu đồng, chưa kể tiền đi lại và các chi phí cá nhân khác. Tuy nhiên, nhờ có thẻ BHYT diện cán bộ hưu trí, bà chỉ phải đồng chi trả 5% viện phí.

Cùng điều trị tại Viện Huyết học, em Trần Văn Thạch (Thạch Hà, Hà Tĩnh) mỗi tháng đều phải lên viện truyền máu, chi phí mỗi đợt từ 50-60 triệu đồng. Đợt đầu tiên, vì em chưa có thẻ BHYT nên gia đình đã phải bán tống táng hết đồ đạc trong nhà và vay mượn khắp nơi mới đủ tiền đóng viện phí. Sau đó, mẹ em đã gấp rút đi mua thẻ BHYT thuộc diện hộ cận nghèo. Chỉ mất có hơn 100.000 đồng nhưng giờ em chỉ còn phải đóng 20% tiền viện phí.

Tại BV Bệnh nhiệt đới TW, bệnh nhân H.T.L. (Nam Định) đang điều trị nhiễm liên cầu khuẩn nặng. Do ông phải thở máy, lọc máu nên sau 2 tuần điều trị, chi phí đã lên đến 150 triệu đồng. Không có thẻ BHYT, vợ ông phải bán lúa non và bán cả mảnh vườn mới đủ nộp tiền viện phí. “Gia đình tôi thuộc diện cận nghèo, được miễn giảm tiền thẻ nhưng tôi vẫn tiếc hơn 100.000 đồng vì xưa nay chỉ ốm đau nhẹ, chẳng đi viện bao giờ”, bà Mỵ - vợ ông L. lo lắng.

Giải pháp mở rộng độ “phủ sóng”

Tuy thẻ BHYT đem lại nhiều lợi ích như nói trên nhưng việc chưa thu hút nhiều đối tượng tham gia do người dân chưa hiểu hết lợi ích của việc tham gia BHYT. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều người dân chưa mặn mà BHYT là… niềm tin. Nhiều người e ngại đến BV tuyến dưới thì không yên tâm chữa bệnh, trong khi việc chuyển tuyến lên BV TW lại khó khăn, số khác lại lo ngại sự phân biệt đối xử giữa BHYT và “dịch vụ tự nguyện”.

Bà Tống Thị Song Hương - Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, tại nhiều tỉnh, thành, bên cạnh việc Nhà nước hỗ trợ 50% phí bảo hiểm cho các hộ cận nghèo, một số dự án, tổ chức xã hội tham gia hỗ trợ lên đến 80% mức đóng và người dân chỉ đóng góp 20%, nhưng tỷ lệ tham gia vẫn thấp. Có nhiều lý do dẫn tới tình trạng này như người dân chưa được tuyên truyền đầy đủ về ý nghĩa, lợi ích của tham gia BHYT. Chất lượng dịch vụ y tế chưa tốt, quá tải BV, thủ tục còn phiền hà, quy trình chuyển tuyến còn rắc rối…

Đúng như những nhận định trên, thực tế cho thấy, mức đóng BHYT chỉ là một phần của vấn đề, nhiều người có thẻ BHYT hẳn hoi nhưng khi đi khám, chữa bệnh lại vẫn thích dùng dịch vụ tự nguyện bởi tâm lý nhiều tiền vẫn hơn. Điều này phần nào ảnh hưởng tới việc tham gia BHYT cộng đồng.

Được biết, ngành y tế đã nắm bắt hết những khó khăn trên và đang nỗ lực vượt qua mọi rào cản để từng bước cán đích những mục tiêu đề ra, trong đó yếu tố hạt nhân là cải tiến thủ tục, chất lượng khám, chữa bệnh BHYT. Song song với đó đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa từ các bộ, ngành và việc tuyên truyền sâu rộng để người dân thấy rõ lợi ích, ý nghĩa của BHYT đối với bản thân, gia đình, có như vậy, độ phủ sóng của BHYT trong dân mới dễ dàng lan rộng.

Hoàng Lê

 

 

 


Ý kiến của bạn