Hà Nội

Mở rộng chứng chỉ thuộc diện miễn thi Ngoại ngữ có giúp thí sinh giảm áp lực?

28-12-2023 18:32 | Xã hội

SKĐS - Việc bổ sung thêm các chứng chỉ Ngoại ngữ trong nước và quốc tế vào diện miễn thi môn Ngoại ngữ ở kỳ thi tốt nghiệp THPT là thông tin đang nhận về nhiều chú ý trong thời gian gần đây.

Dự kiến mở rộng các chứng chỉ Ngoại ngữ

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp THPT 2024. Theo dự thảo, thí sinh vẫn sẽ làm 3 bài thi độc lập Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, 1 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc bài thi tổ hợp Khoa học xã hội.

Ngoài chứng chỉ TOEFL ITP 450 điểm, TOEFL iBT 45 điểm, IELTS 4.0 như những năm trước, thí sinh có chứng chỉ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (VSTEP), B1 Preliminary/B1 Business Preliminary/ B1 Linguaskill, Aptis ESOL B1, PEARSON PTE B1 hoặc TOEIC 4 kỹ năng sẽ được miễn bài thi Ngoại ngữ.

Những năm trước, có hàng chục nghìn thí sinh thuộc diện được quy đổi điểm bài thi môn Ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Năm 2023, với 3 chứng chỉ được quy đổi là IELTS 4.0, TOEFL ITP 450, TOEFL iBT 45 điểm, đã có gần 46.700 thí sinh đăng ký miễn thi, chiếm 4,5% tổng số thí sinh.

Làm sao để học sinh và phụ huynh an tâm?

Về vấn đề này, trao đổi với PV báo Sức khoẻ và Đời sống, thầy Bùi Duy Phong - giáo viên Ngoại ngữ Trường THPT Tăng Bạt Hổ (tỉnh Bình Định) cho rằng, với nhiều người, việc học Ngoại ngữ là một nhu cầu thiết yếu phục vụ cho công việc. Với học sinh, mục tiêu trước tiên mà các em nhắm tới là kỳ thi THPT cuối cấp. Nhận thức được điều này nên nhiều phụ huynh đầu tư cho con mình học Ngoại ngữ từ rất sớm những mong muốn có được trong tay chứng chỉ để vượt qua "cửa ải" khó khăn này mà vào đời. Nắm bắt được nhu cầu của người học, nhiều cơ sở giảng dạy đầu tư và xin cấp phép thi lấy chứng chỉ.

Năm nay, theo dự thảo quy chế bổ sung cho kỳ thi THPT năm 2024, nhiều chứng chỉ Ngoại ngữ được áp dụng thay thế cho bài thi môn này. Với thuận lợi này người học có nhiều sự lựa chọn hơn so với những năm trước.

Mở rộng chứng chỉ thuộc diện miễn thi Ngoại ngữ có giúp thí sinh giảm áp lực?- Ảnh 1.

Dự kiến sẽ có thêm nhiều chứng chỉ Ngoại ngữ được miễn thi tốt nghiệp THPT.

Theo thầy Phong, Nghị định 86/2018/NĐ-CP và Thông tư 11/2022/TT-BGDĐT giúp các học sinh THPT và người học sử dụng các chứng chỉ Ngoại ngữ để miễn bài thi Ngoại ngữ trong kỳ thi cuối cấp là rất thuận lợi và khuyến khích việc học. Nhiều học sinh và phụ huynh bỏ tiền đăng ký cho con mình học từ rất sớm, ôn luyện thường xuyên để lấy chứng chỉ nhanh nhất có thể dành thời gian còn lại đầu tư cho môn khác.

Cụ thể là chứng chỉ môn tiếng Anh tăng từ 2 lên 5 loại. Theo dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung qui chế thi tốt nghiệp 2024, các chứng chỉ Ngoại ngữ thay thế bài thi này trong kỳ thi sắp tới không còn giới hạn ở IELTS (4.0 điểm trở lên), TOEFL ITP (450 điểm trở lên), TOEFL iBT (tối thiểu 45 điểm) mà giờ mở rộng và bổ sung thêm những chứng chỉ khác không những tạo thuận lợi cho học sinh mà còn giúp các em giảm bớt áp lực thi cử.

"Tùy theo nhu cầu, năng lực mà thí sinh chọn lựa cho mình khóa học và kỳ thi sao cho phù hợp. Những chứng chỉ thay thế còn có B1 Preliminary/ B1 Business Preliminary/ B1 Linguaskill, TOEIC, Aptis ESOL B1, PEARSON PTE B1, VSTEP bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt nam đều được qui đổi thành 10 điểm. Các chứng chỉ tiếng Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức, Nhật như năm 2023. Đây là một thuận lợi rất lớn. Các em học sinh nếu đủ điều kiện qui đổi không còn nhiều áp lực cho kỳ thi sắp tới. Quĩ thời gian dành cho việc đầu tư các môn còn lại sẽ nhiều hơn", thầy Phong nhận định.

Thầy Phong cho biết, rút kinh nghiệm từ kỳ thi năm ngoái, Thông tư 11/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 10/9/2022 tạm ngưng thi chứng chỉ ngoại ngữ làm thí sinh phải chờ đến 11/11/2022 mới được thi ở một số đơn vị tổ chức bài thi ngoại ngữ do Bộ GD&ĐT phê duyệt gây hoang mang cho cả thí sinh lẫn phụ huynh. Nhiều thí sinh có trong tay chứng chỉ được cấp từ 10/9/2022 đến 11/11/2022 một phen thấp thỏm vì không biết có hợp lệ hay không.

Năm nay, thông tin rõ ràng nhằm giúp các em có lộ trình ôn thi và đăng ký dự thi tốt hơn. Vì nhiều học sinh có nhu cầu lấy chứng chỉ nên cơ sở nào cũng quảng cáo rầm rộ, chất lượng đảm bảo, lộ trình ngắn, đầu tư ít mà hiệu quả... Chính vì sự "rối rắm" trên mà một số học sinh trong những năm qua có chứng chỉ ngoại ngữ đạt yêu cầu nhưng ở cơ sở không hợp lệ thành ra công cốc.

"Phụ huynh và các em học sinh phải thận trọng trong việc lựa chọn khóa học, tư vấn kỹ càng để có được kết quả như mong muốn tránh tiền mất tật mang. Cầm trên tay những tấm chứng chỉ IELTS, TOEFL, TOEIC, Aptis ESOL... chẳng những được miễn bài thi THPT mà còn được nhiều trường đại học sử dụng làm kết quả xét tuyển đầu vào, được miễn học nhiều tín chỉ và học phí nên đầu tư học là xứng đáng.

Việc qui đổi chứng chỉ Ngoại ngữ trong một số kỳ thi là thích hợp và khuyến khích việc học rất tốt. Bộ GD&ĐT cần sớm ban hành qui chế để người học và phụ huynh an tâm là cần thiết", thầy Phong chia sẻ.

Phụ huynh đổ xô cho con luyện thi IELTS để mong ‘chắc suất’ vào đại họcPhụ huynh đổ xô cho con luyện thi IELTS để mong ‘chắc suất’ vào đại học

SKĐS - Nhiều trường đại học sử dụng chứng chỉ IELTS để xét tuyển theo hướng kết hợp với học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp. Hình thức xét tuyển này khiến cho nhiều học sinh chạy đua học IELTS để "chắc suất" vào đại học.

Đỗ Vi
Ý kiến của bạn