Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác Châu Âu: tham dự Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM) lần thứ 12, Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì các mục tiêu Tăng trưởng xanh toàn cầu (P4G) và thăm chính thức Cộng hòa Áo, Vương quốc Bỉ, Vương quốc Đan Mạch, thăm làm việc tại Liên minh Châu Âu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong chuyến thăm CH Áo
Trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới 3 nước: Áo, Bỉ, Đan Mạch và thăm làm việc với EU, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc hội đàm quan trọng với Thủ tướng 3 nước và Chủ tịch Ủy ban châu Âu mà theo Thủ tướng, để cùng nhau tạo nên các kỳ tích mới trong quan hệ hợp tác. Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng, Việt Nam cùng 3 nước và EU đã ký 30 văn kiện, thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực, bao gồm các văn kiện ký sau hội đàm và tại các diễn đàn doanh nghiệp trong đó có lĩnh vực y tế.
Trong chuyến thăm Vương quốc Bỉ, Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Y tế đã đồng ý chủ trương cho phép Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC ) kết hợp với tập đoàn IBA (tập đoàn đứng đầu Thế giới của Bỉ về sản xuất máy xạ trị Proton- máy xạ trị hiện đại chưa có ở các nước Asean, cho phép nâng cao tỷ lệ chữa khỏi ung thư bằng xạ trị và giảm thiểu tối đa tác dụng phụ) đầu tư, chuyển giao hệ thống này cho Bệnh viện K.
Bộ trưởng Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Ellen Trane Norby đã Ký văn kiện hợp tác trong lĩnh vực y tế với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ của 2 nước.
Tại Đan Mạch, Bộ trưởng Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Ellen Trane Norby đã Ký văn kiện hợp tác trong lĩnh vực y tế với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ của 2 nước về dự phòng và quản lý các bệnh mạn tính (tiểu đường, tim mạch, ung thư...), tại y tế xã, theo mô hình y học gia đình. Đây cũng là một chính sách về y tế cơ sở mà Bộ y tế đang quyết tâm triển khai.
Theo văn kiện đã ký, Bộ Y tế Việt Nam và Bộ Y tế Đan Mạch tiếp tục Dự án Hợp tác Ngành Chiến lược (SSC) trong lĩnh vực dự phòng và quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở, giai đoạn 2. Hai bên sẽ cùng xây dựng và triển khai mô hình thí điểm dự phòng, phát hiện, quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm theo hướng tiếp cận toàn diện và lấy người dân làm trung tâm, bao gồm : Nâng cao năng lực toàn diện cho tuyến y tế cơ sở, hỗ trợ xây dựng và thí điểm đơn vị xét nghiệm tập trung tại tuyến huyện để nâng cao chất lượng chẩn đoán và quản lý điều trị cho các trạm y tế xã; Tiếp tục triển khai các hoạt động đào tạo, tập huấn cán bộ y tế và các bên liên quan trong dự phòng, phát hiện sớm, tư vấn và quản lý các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng; Huy động sự tham gia hiệu quả của các bên liên quan để tăng cường hoạt động quản lý, dự phòng và hỗ trợ người bệnh tại cộng đồng; Hỗ trợ thiết lập hệ thống thông tin quản lý bệnh không lây nhiễm tại cấp xã; Vận động chính sách để phát triển và duy trì bền vững mô hình dự phòng, phát hiện và quản lý các bệnh không lây nhiễm theo cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm tại cộng đồng.
Hai bên phối hợp thực hiện các sáng kiến hỗ trợ cho dự phòng, phát hiện, quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm theo hướng tiếp cận toàn diện và lấy con người làm trung tâm, bao gồm: Trao đổi kiến thức và kinh nghiệm ở cấp độ chính sách và kỹ thuật; Hỗ trợ xây dựng các giải pháp e-health bao gồm đào tạo trực tuyến, chia sẻ cung cấp thông tin trên mạng internet và qua các thiết bị di động; Tiếp tục thực hiện các chương trình học bổng, nghiên cứu và các hoạt động đánh giá; Chia sẻ thành tựu và kết quả dự án ở cấp quốc gia và quốc tế.