Khoa Ngoại & Chuyên khoa, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tiếp nhận bé Trần Thị Mỹ H. (57 ngày tuổi) thường trú tại Huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh. Trẻ nhập viện trong tình trạng có tiền sử thông liên thất; Còn ống động mạch phát hiện lúc 1 tháng tuổi, gần đây trẻ xuất hiện ho nhiều, bỏ bú, quấy khóc nhiều được gia đình cho nhập viện kiểm tra.
Kết quả xét nghiệm, siêu âm tim cho thấy nhip tim nhanh, buồng tim trái giãn, thông liên thất màng lan dưới van động mạch chủ, phần màng KT 3.2mm; còn ống động mạch, đường kính phía phổi KT 4.7mm, đường kính phía chủ 7mm.
Qua hội chẩn chuyên khoa các bác sĩ chẩn đoán còn ống động mạch lớn, thông liên thất và chỉ định phẫu thuật tim kín đóng ống động mạch; Phương pháp gây mê nội khí quản cho trẻ.
Ca phẫu thuật diễn ra trong khoảng hơn 1h đồng hồ, các bác sĩ tiến hành mở ngực sau bên trái vào khoang liên sườn 3, đi qua màng phổi. Quan sát thấy, ống động mạch kích thước đầu chủ 6mm, đầu phổi 5mm, dài 5mm. Cặp thử ống thấy huyết động không thay đổi. Tiến hành thắt ống động mạch phía đầu chủ, đầu phổi cho bệnh nhân.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhi.
Sau ca mổ cấp cứu thành công, hiện tại mạch và huyết áp bệnh nhân ổn định, tim phổi trẻ bình thường. Trẻ đang theo dõi đặc biệt tại Khoa Hồi sức cấp cứu. Kíp phẫu thuật do BS. Trịnh Trương Tuyên, BS. Nguyễn Văn Luyện; BS. Nguyễn Tiến Thành; BS. Nguyễn Thành Công và điều dưỡng Hoàng Văn Huấn thực hiện.
Bác sĩ Trịnh Trương Tuyên cho biết, thường sau sinh 12 tiếng, ống động mạch thường đóng lại ở trẻ đủ tháng và đóng hoàn toàn khi trẻ 2-3 tuần tuổi. Trường hợp trẻ sau sinh còn ống động mạch lớn nếu không được phẫu thuật kịp thời, có thể khiến lượng máu chảy quá tim tăng cao gây suy tim từ đó dẫn đến nhiều biến chứng tim mạch nguy hiểm như: tăng áp động mạch phổi, viêm phổi và tử vong...
Hiện tại, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã làm chủ kỹ thuật phẫu thuật tim kín đóng ống động mạch, việc triển khai thành công sẽ giúp việc xử lý các ca bệnh tim khẩn cấp dễ dàng hơn, rút ngắn thời gian can thiệp bệnh nhi, mang lại cơ hội sống cho nhiều trẻ sơ sinh mắc căn bệnh hiểm nghèo.
Đồng thời giúp các bệnh nhi bị bệnh tim trên địa bàn không phải chuyển tuyến để mổ như trước, giảm chi phí cho người thân bệnh nhi, giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên.